Nhiều người chưa hiểu rõ thế nào là tách khẩu, chuyển khẩu, nhập hộ khẩu và sử dụng nhầm lẫn các khái niệm đó với nhau. Trong bài viết này, Luatvietnam sẽ làm rõ các quy định của pháp luật về các vấn đề trên.
Tách Sổ hộ khẩu – ra đời thêm một Sổ hộ khẩu mới
Tách Sổ hộ khẩu là việc một người đang đăng ký thường trú và có tên trong một Sổ hộ khẩu làm các thủ tục xóa tên trong Sổ hộ khẩu đó (xóa đăng ký thường trú) và đăng ký Sổ hộ khẩu mới.
Như vậy, kết quả của việc tách Sổ hộ khẩu là việc cho ra đời một Sổ hộ khẩu mới có thông tin của người được tách khẩu trên đó. Trường hợp chỉ có một người tách khẩu thì người đó sẽ đứng tên làm chủ hộ trong Sổ hộ khẩu mới. Nếu có nhiều người tách khẩu và đăng ký chung một Sổ hộ khẩu mới thì sẽ thỏa thuận một người là chủ hộ.
Khi tách Sổ hộ khẩu, một Sổ hộ khẩu mới sẽ ra đời (Ảnh minh họa)
Điều 25, Điều 27 Luật Cư trú 2006 (Luật cư trú) quy định về tách Sổ hộ khẩu. Theo đó, Sổ hộ khẩu có thể được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân. Các trường hợp cá nhân được cấp Sổ hộ khẩu gồm:
– Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có chỗ ở độc lập với gia đình người đó, người sống độc thân, người được tách Sổ hộ khẩu theo quy định (tức người đủ năng lực hành vi dân sự, đã nhập vào Sổ hộ khẩu và được chủ hộ đồng ý cho tách Sổ hộ khẩu bằng văn bản);
– Người làm nghề lưu động trên tàu, thuyền, phương tiện hành nghề lưu động khác, nếu họ không sống theo hộ gia đình;
– Thương binh, bệnh binh, người thuộc diện chính sách ưu đãi của Nhà nước, người già yếu, cô đơn, người tàn tật và các trường hợp khác được cơ quan, tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc tập trung;
– Chức sắc tôn giáo, nhà tu hành hoặc người khác chuyên hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo sống tại cơ sở tôn giáo.
Chuyển hộ khẩu – xóa tên khỏi Sổ hộ khẩu
Chuyển hộ khẩu là việc một người đang có tên trong Sổ hộ khẩu này, làm thủ tục xóa tên để chuyển sang một Sổ hộ khẩu khác. Việc này thường xảy ra khi chuyển nơi thường trú.
Đây là trường hợp tương tự với tách Sổ nhưng không có Sổ hộ khẩu mới ra đời mà chỉ có việc dịch chuyển nhân khẩu từ Sổ hộ khẩu này sang Sổ hộ khẩu khác.
Hồ sơ cấp giấy chuyển hộ khẩu (với trường hợp cần giấy chuyển hộ khẩu) bao gồm Sổ hộ khẩu mà mình đang có tên và Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu theo mẫu (lưu ý ghi đầy đủ thông tin bao gồm ý kiến và chữ ký của chủ hộ).
Nhập hộ khẩu – chuyển đến nơi thường trú mới
Nhập hộ khẩu hay Đăng ký thường trú được quy định tại Chương III Luật Cư trú. Theo đó, đăng ký thường trú được hiểu là việc chuyển vào sinh sống tại một địa chỉ và đăng ký ghi tên vào Sổ hộ khẩu tại địa chỉ đó.
Như vậy, kết quả của việc đăng ký thường trú là tên người đó có trong Sổ hộ khẩu của một cá nhân hoặc hộ gia đình đang sinh sống tại địa chỉ đó. Đây cũng là phần việc cần thực hiện sau khi đã làm thủ tục chuyển hộ khẩu, xóa tên khỏi Sổ hộ khẩu cũ.
Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu phải có ý kiến của chủ hộ (Ảnh minh họa)
Điều 6 Thông tư số 35/2014/TT-BCA quy định hồ sơ đăng ký thường trú gồm:
– Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
– Bản khai nhân khẩu (đối với trường hợp phải khai bản khai nhân khẩu);
– Giấy chuyển hộ khẩu (nếu thuộc trường hợp nêu trên);
– Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.
Theo Điều 6 Nghị định số 31/2014/NĐ-CP, những giấy tờ, tài liệu chứng minh đó có thể là: Giấy tờ chứng minh hoặc xác nhận của UBND cấp xã về mối quan hệ gia đình (trường hợp đăng ký thường trú với gia đình); văn bản đồng ý cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ hoặc ý kiến đồng ý việc đó trong phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu…
Trong phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, cá nhân được người có Sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào Sổ hộ khẩu của mình khi đăng ký thường trú phải có ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chữ ký, ghi rõ họ, tên và ngày, tháng, năm.
Xem thêm:
Hướng dẫn thủ tục tách hộ khẩu cho con riêng
Tách hộ khẩu khi chưa có nhà riêng được không?
Hướng dẫn cách ghi phiếu báo thay đổi nhân hộ khẩu
Luật Hộ tịch: 8 điểm nổi bật nhất năm 2018
LuatVietnam