Hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động năm 2021 Update 01/2025

Chế độ tai nạn lao động là một trong những chính sách an sinh hữu ích cho người lao động không may bị tai nạn trong quá trình làm việc. Bài viết dưới đây, LuatVietnam sẽ gửi tới những thông tin liên quan đến hồ sơ để hưởng chế độ này.

Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động

Theo quy định tại Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, người lao động bị tai nạn lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ điều kiện:

  • Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp:

+ Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết mà Bộ luật Lao động và nội quy doanh nghiệp cho phép như nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;

+ Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản;

+ Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.

  • Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên.

Lưu ý: Không giải quyết chế độ tai nạn lao động cho người bị tai nạn:

– Do mâu thuẫn của chính bản thân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc;

– Cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;

– Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.

hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động

Cần giấy tờ gì để hưởng chế độ tai nạn lao động? (Ảnh minh họa)
 

Hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động

Để hưởng chế độ tai nạn lao động, người lao động phải thực hiện nhiều thủ tục với các loại hồ sơ khác nhau. Dưới đây là một số hồ sơ người lao động có thể cần.
 

Hồ sơ khám giám định mức suy giảm khả năng lao động lần đầu

Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 56/2017/TT-BYT, hồ sơ khám giám định lần đầu do tai nạn lao động bao gồm:

  • Giấy giới thiệu của người sử dụng lao động với trường hợp người bị tai nạn lao động thuộc quyền quản lý của người sử dụng lao động tại thời điểm đề nghị khám giám định;
  • Giấy đề nghị khám giám định với trường hợp người lao động tại thời điểm đề nghị khám giám định không còn thuộc quyền quản lý của người sử dụng lao động;
  • Bản chính hoặc bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận thương tích do cơ sở y tế (nơi đã cấp cứu, điều trị cho người lao động) cấp;
  • Bản chính hoặc bản sao hợp lệ Biên bản điều tra tai nạn lao;
  • Giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án (Nếu người lao động không điều trị nội trú hoặc ngoại trú thì phải có giấy tờ về khám, điều trị thương tật phù hợp với thời điểm xảy ra tai nạn lao động và tổn thương đề nghị giám định);
  • Một trong các giấy tờ có ảnh:

+ Chứng minh nhân dân;

+ Căn cước công dân;

+ Hộ chiếu;

+ Giấy xác nhận của công an cấp xã có dán ảnh, đóng giáp lai trên ảnh và được cấp trong thời gian không quá 03 tháng tính đến thời điểm đề nghị khám giám định.
 

Hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động lần đầu

Điều 57 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động lần đầu như sau:

  • Sổ bảo hiểm xã hội;
  • Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị tai nạn lao động đối với trường hợp nội trú;
  • Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa;
  • Văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động
  • Biên bản điều tra tai nạn lao động, trường hợp bị tai nạn giao thông được xác định là tai nạn lao động thì phải có thêm biên bản tai nạn giao thông hoặc biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông;
  • Chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng theo quy định về việc trang cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt (nếu có);
  • Hóa đơn, chứng từ thu phí giám định; bảng kê nội dung  giám định nếu thanh toán phí giám định y khoa.

Chế độ tai nạn lao động cho người lao động

Chế độ tai nạn lao động cho người lao động (Ảnh minh họa)
 

Hồ sơ khám giám định thương tổn tái phát

Cũng theo Thông tư 56/2017/TT-BYT, khoản 1 Điều 6 liệt kê các loại giấy tờ cần có trong hồ sơ khám giám định lại đối với trường hợp tái phát tổn thương do tai nạn lao động. Cụ thể:

  • Giấy đề nghị khám giám định;
  • Bản chính hoặc bản sao hợp lệ tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện ghi rõ tổn thương tái phát;
  • Bản chính hoặc bản sao hợp lệ biên bản giám định y khoa lần gần nhất kèm theo các giấy chứng nhận thương tích ghi nhận các tổn thương được giám định trong biên bản.
     

Hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động tái phát

Theo điểm 1.1 khoản 1 Điều 6 Quyết định 166/QĐ-BHXH, để hưởng chế độ tai nạn lao động do tái phát, người lao động phải có hồ sơ gồm:

  • Sổ bảo hiểm xã hội
  • Biên bản điều tra tai nạn lao động hoặc biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông được cho là tai nạn lao động
  • Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động lần trước gần nhất của Hội đồng giám định y khoa;
  • Biên bản giám định lại mức suy giảm khả năng lao động sau khi điều trị thương tật của Hội đồng giám định y khoa;
  • Chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng theo quy định về việc trang cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt (nếu có);
  • Hóa đơn, chứng từ thu phí giám định; bảng kê nội dung  giám định nếu thanh toán phí giám định y khoa.

Trên đây là chi tiết các loại hồ sơ hưởng chế độ tai nạn mà người lao động cần biết phòng trường hợp rủi ro xảy đến với mình trong quá trình làm việc.

>> Tổng hợp các loại trợ cấp cho người bị tai nạn lao động