Hợp đồng ủy quyền có bắt buộc phải công chứng không? Update 01/2025

Nhắc đến hợp đồng ủy quyền đa phần mọi người đều nghĩ rằng phải công chứng, chứng thực thì mới có giá trị. Vậy theo quy định pháp luật hiện nay, hợp đồng ủy quyền có bắt buộc phải công chứng không?

Một số trường hợp ủy quyền bắt buộc phải công chứng

Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó, bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định (theo Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015).

Bên cạnh đó, Điều 55 Luật Công chứng 2014 cũng chỉ quy định về thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền chứ không bắt buộc phải công chứng trừ một số trường hợp được nêu cụ thể tại văn bản chuyên ngành:

– Ủy quyền đăng ký hộ tịch: Người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, yêu cầu đăng ký hộ tịch (khai sinh, xác định lại dân tộc…) được ủy quyền cho người khác thực hiện thay. Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực (theo Điều 2 Thông tư 15/2015/TT-BTP).

Không được ủy quyền trong trường hợp đăng ký kết hôn; đăng ký lại việc kết hôn; đăng ký nhận cha, mẹ, con.

– Ủy quyền của vợ chồng cho nhau về việc thỏa thuận mang thai hộ phải lập thành văn bản có công chứng. Việc ủy quyền cho người thứ ba không có giá trị pháp lý (khoản 2 Điều 96 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014).

Như vậy, hợp đồng ủy quyền không mặc nhiên phải công chứng, chứng thực mới có giá trị pháp lý trừ một số trường hợp bắt buộc.

Chú ý, trường hợp hợp đồng ủy quyền bắt buộc phải công chứng, chứng thực nhưng không thực hiện mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ trong hợp đồng ủy quyền thì hợp đồng đó vẫn hiệu lực.
 

Thời hạn của hợp đồng ủy quyền là bao lâu?

hợp đồng ủy quyền có bắt buộc phải công chứng

Hợp đồng ủy quyền có bắt buộc phải công chứng không? (Ảnh minh họa)
 

Thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định. Nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền (Điều 563 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Như vậy, thời hạn của hợp đồng ủy quyền trước hết sẽ do các bên tự thỏa thuận. Thường là thời gian được ấn định cụ thể hoặc tới khi hoàn thành công việc đã ủy quyền.

Trường hợp các bên không có thỏa thuận về thời hạn thì hiệu lực của hợp đồng ủy quyền là 01 năm từ ngày xác lập việc ủy quyền.

>> Phân biệt Giấy ủy quyền và Hợp đồng ủy quyền

Hậu Nguyễn