Trong cuộc sống, chắc hẳn việc được người khác hứa thưởng không còn hiếm thấy. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào người hứa thưởng cũng thực hiện trả thưởng. Vậy việc hứa thưởng có bắt buộc phải thực hiện không?
1/ Hứa thưởng là gì?
Hiện nay, không có một văn bản pháp luật nào định nghĩa cụ thể về hứa thưởng mà chỉ có Điều 570 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:
1. Người đã công khai hứa thưởng phải trả thưởng cho người đã thực hiện công việc theo yêu cầu của người hứa thưởng.
2. Công việc được hứa thưởng phải cụ thể, có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Như vậy, dù không có định nghĩa cụ thể hứa thưởng là gì nhưng từ quy định trên, có thể thấy một số đặc điểm của hứa thưởng như sau:
– Hứa thưởng bản chất là ý chí đơn phương của một bên khi công khai hứa thưởng cho một cá nhân khác nếu người này thực hiện được yêu cầu, điều kiện mà người hứa thưởng nêu ra.
– Người hứa thưởng phải trả thưởng cho người được hứa thưởng khi người này thực hiện theo yêu cầu của người hứa thưởng.
– Nội dung, công việc được người hứa thưởng phải cụ thể, có thể thực hiện được, đặc biệt là không vi phạm điều cấm của Luật cũng như không trái đạo đức xã hội.
Có thể thấy, hứa thưởng là hành vi xảy ra tương đối phổ biến. Ví dụ như khi anh A thi đại học, đứng trước gia đình, bố mẹ anh A tuyên bố sẽ mua cho anh A một chiếc xe máy nếu anh A đậu đại học. Đây là hành vi hứa thưởng của bố mẹ anh A.
Hay một ví dụ khác như: Khi bạn xem một bản tin trên báo có nội dung tìm giấy tờ rơi. Người bị mất giấy tờ có yêu cầu là ai tìm được, nhặt được giấy tờ của mình và trả lại thì sẽ được hậu tạ bằng một khoản tiền nào đó thì việc hứa hậu tạ này cũng được xem là hứa thưởng.
Hứa thưởng nhưng không thực hiện có bị xử lý không? (Ảnh minh họa)
2/ Hứa thưởng có bắt buộc phải thực hiện không?
Hiện nay, theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015, chưa có chế tài xử lý trường hợp hứa thưởng nhưng không thực hiện. Do đó, nếu một người hứa thưởng nhưng không thực hiện thì không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý, vì hứa thưởng được thể hiện công khai nên việc hứa thưởng sẽ được rất nhiều người biết đến. Do đó, nếu hứa thưởng mà không thực hiện sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín của người hứa thưởng.
Như vậy, không có quy định xử lý trường hợp hứa thưởng nhưng không thực hiện. Do đó, có thể thấy, hứa thưởng không bắt buộc phải thực hiện.
3/ Hứa thưởng có rút lại được không?
Về việc rút lại tuyên bố hứa thưởng, Điều 571 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
Khi chưa đến hạn bắt đầu thực hiện công việc thì người hứa thưởng có quyền rút lại tuyên bố hứa thưởng của mình. Việc rút lại tuyên bố hứa thưởng phải được thực hiện theo cách thức và trên phương tiện mà việc hứa thưởng đã được công bố.
Căn cứ quy định này, việc hứa thưởng có thể được rút lại khi chưa đến thời hạn bắt đầu thực hiện công việc. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, người hứa thưởng hoàn toàn có quyền rút lại tuyên bố hứa thưởng của mình khi chưa đến hạn thực hiện công việc.
Khi rút lại tuyên bố, người hứa thưởng phải thực hiện theo đúng cách thức và phương thức mà mình đã công bố việc hứa thưởng. Ví dụ, khi một người hứa thưởng trên livestream của Facebook, nếu muốn rút lại hứa thưởng, người này cũng phải thực hiện trên livestream của Facebook.
Ngược lại, khi công việc hứa thưởng đã thực hiện xong, người nhận hứa thưởng đó sẽ được nhận thưởng (căn cứ khoản 1 Điều 572 Bộ luật Dân sự năm 2015).
4/ Phân biệt hứa thưởng và tặng cho có điều kiện
Vì những quy định của hứa thưởng nêu trên, khá nhiều người nhầm lẫn hứa thưởng với tặng cho có điều kiện. Vậy làm sao để phân biệt hai hình thức này?
Tiêu chí |
Hứa thưởng |
Tặng cho có điều kiện |
Căn cứ |
Điều 570, 571, 572 Bộ luật Dân sự năm 2015 |
Điều 462 Bộ luật Dân sự năm 2015 |
Định nghĩa |
Hứa thưởng được hiểu là một người công khai hứa thưởng cho người khác nếu người này thực hiện công việc theo yêu cầu của người hứa thưởng |
Tặng cho có điều kiện được hiểu là việc một bên yêu cầu bên khác thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho |
Bản chất |
Hành vi pháp lý đơn phương |
Giao dịch dân sự có sự tham gia, thỏa thuận của hai bên: Bên tặng cho và bên nhận tặng cho |
Điều kiện |
– Thực hiện công việc theo yêu cầu của người hứa thưởng – Công việc được hứa thưởng phải cụ thể, có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. |
– Thực hiện nghĩa vụ do bên tặng cho yêu cầu – Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội |
Đối tượng |
Công việc |
Tài sản |
Thời điểm hoàn thành |
– Người hứa thưởng được rút lại hứa thưởng khi chưa đến hạn bắt đầu thực hiện công việc – Công việc hứa thưởng đã hoàn thành, người hứa thưởng phải trả thưởng cho người nhận thưởng |
Theo thỏa thuận của các bên (có thể trước hoặc sau khi tặng cho). |
Trên đây là quy định về việc hứa thưởng có bắt buộc phải thực hiện không? Nếu còn thắc mắc, độc giả có thể liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.