Hướng dẫn chi tiết thủ tục thành lập công ty con 2021 Update 01/2025

Các công ty lớn, tập đoàn kinh tế thường hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con. Để hoạt động theo mô hình này cần biết thủ tục thành lập công ty con và mối quan hệ giữa chúng.

Hiểu như thế nào về công ty mẹ – công ty con?

Theo khoản 1 Điều 195 Luật Doanh nghiệp 2020, công ty mẹ, công ty con được quy định như sau:

“1. Một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty đó;

b) Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đó;

c) Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó.”

Như vậy, được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu thuộc 1 trong 3 trường hợp trên.

Lưu ý:

– Công ty mẹ, công ty con không phải là loại hình doanh nghiệp.

– Công ty con không được đầu tư mua cổ phần, góp vốn vào công ty mẹ. Các công ty con của cùng một công ty mẹ không được đồng thời cùng góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau (theo khoản 2 Điều 195 Luật Doanh nghiệp 2020).

Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công mẹ đối với công ty con

Căn cứ Điều 196 Luật Doanh nghiệp 2014, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công ty mẹ đối với công ty con như sau:

– Công ty mẹ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên, chủ sở hữu hoặc cổ đông trong quan hệ với công ty con theo quy định tương ứng của Luật Doanh nghiệp 2020 và quy định khác của pháp luật có liên quan.

– Hợp đồng, giao dịch và quan hệ khác giữa công ty mẹ và công ty con đều phải được thiết lập và thực hiện độc lập, bình đẳng theo điều kiện áp dụng đối với chủ thể pháp lý độc lập.

– Công ty mẹ phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại của công ty trong các trường hợp can thiệp ngoài thẩm quyền và buộc công ty con phải thực hiện hoạt động kinh doanh trái với thông lệ kinh doanh bình thường hoặc thực hiện hoạt động không sinh lợi mà không đền bù hợp lý trong năm tài chính có liên quan, gây thiệt hại cho công ty con. Trong trường hợp này cần lưu ý:

+ Người quản lý công ty mẹ liên đới cùng công ty mẹ chịu trách nhiệm về thiệt hại.

+ Trường hợp công ty mẹ không đền bù cho công ty con thì chủ nợ hoặc thành viên, cổ đông có sở hữu ít nhất 1% vốn điều lệ của công ty con có quyền nhân danh chính mình hoặc nhân danh công ty con yêu cầu công ty mẹ đền bù thiệt hại cho công ty con.

+ Trường hợp hoạt động kinh doanh này do công ty con thực hiện đem lại lợi ích cho công ty con khác của cùng một công ty mẹ thì công ty con được hưởng lợi phải liên đới cùng công ty mẹ hoàn trả khoản lợi được hưởng cho công ty con bị thiệt hại.

Hồ sơ thành lập công ty con 2021

* Thành phần hồ sơ

Để hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con, thông thường công ty mẹ sẽ cử người đại diện và góp vốn thành lập công ty con.

Theo Nghị định 122/2020/NĐ-CP và Quyết định 1523/QĐ-BKHĐT, hồ sơ thành lập công ty con được thực hiện giống như thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp mới tương ứng với các loại hình sau:

Loại hình công ty

Link

Công ty cổ phần

Tải về

Công ty TNHH 1 thành viên

Tải về

Công ty TNHH 2 thành viên

Tải về

Lưu ý: Hồ sơ thành lập doanh nghiệp phải thể hiện công ty mẹ là cổ đông/thành viên góp vốn sở hữu trên 50% tổng số cổ phần phổ thông hoặc vốn điều lệ.

Ngoài những giấy tờ như trên, công ty mẹ phải nộp thêm các loại giấy tờ sau:

– Quyết định của chủ sở hữu/chủ tịch hội đồng thành viên/hội đồng quản trị về việc cử người góp vốn hoặc quản lý công ty con.

– 01 bản sao y CMND/CCCD/Hộ chiếu của người được công ty mẹ cử góp vốn và quản lý.

– 01 bản sao y Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty mẹ.

* Số lượng hồ sơ: 01 bộ

Thu tuc thanh lap cong ty conThủ tục thành lập công ty con (Ảnh minh hoạ)
 

Trình tự, thủ tục thành lập công ty con

Căn cứ Quyết định 1523/QĐ-BKHĐT, trình tự, thủ tục thành lập một công ty con được thực hiện theo 03 bước sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ

Có 02 cách thức để nộp hồ sơ, cụ thể:

Cách 1: Nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận một cửa Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Cách 2: Đăng ký qua mạng tại Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp bằng chữ ký số công cộng hoặc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh (đối với Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh phải đăng ký qua mạng).

Bước 2: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ

Bước 3: Nhận kết quả

Khi nhận kết quả, người đại diện theo pháp luật mang giấy biên nhận giải quyết hồ sơ; nếu không phải là người đại diện theo pháp luật thì người được ủy quyền phải mang văn bản ủy quyền và nộp bản sao hợp lệ một trong các loại giấy tờ sau:

– Đối với công dân Việt Nam: CCCD/CMND/Hộ chiếu Việt Nam còn hiệu lực.

– Đối với người nước ngoài: Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu nước ngoài còn hiệu lực.

* Thời hạn giải quyết: 03 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ.

* Lệ phí giải quyết: Miễn lệ phí.

Như vậy, thủ tục thành lập công ty con giống như thủ tục thành lập doanh nghiệp mới. Công ty mẹ lưu ý cần phải sở hữu trên 50% tổng số cổ phần phổ thông hoặc vốn điều lệ mới đủ điều kiện thành lập công ty con.

Nếu có vướng mắc khi thực hiện thủ tục thành lập công ty con hoặc các vấn đề pháp lý doanh nghiệp khác, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.

>> Từ 2021, mở rộng khái niệm doanh nghiệp Nhà nước