Hướng dẫn điều kiện, thủ tục vay vốn đối với hộ nghèo mới nhất Update 11/2024

Theo Nghị định 78/2002, hộ nghèo thuộc đối tượng được vay vốn tín dụng ưu đãi. Thủ tục vay vốn đối với hộ nghèo khá đơn giản, giải ngân nhanh và thuộc trường hợp có thể vay vốn mà không phải thế chấp tài sản.

Điều kiện để hộ nghèo được vay vốn

Theo Điều 4 Nghị định 78/2002, Nhà nước thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo.

Cũng theo hướng dẫn tại Điều 13 Nghị định 78/2002/NĐ-CP, người vay là hộ nghèo phải đáp ứng các điều kiện sau:

– Có địa chỉ cư trú hợp pháp;

– Phải có trong danh sách hộ nghèo được Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định theo chuẩn nghèo;

(Giai đoạn 2021 – 2026, tiêu chí xác định hộ nghèo thực hiện theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP);

– Được Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét, lập thành danh sách có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã (để đáp ứng điều kiện này, hộ nghèo phải tham gia tổ Tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn).

Đối với hộ nghèo vay vốn, vốn vay chỉ được sử dụng vào các việc sau :

– Mua sắm vật tư, thiết bị; giống cây trồng, vật nuôi; thanh toán các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh;

– Góp vốn thực hiện các dự án hợp tác sản xuất, kinh doanh được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

– Giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu về nhà ở, điện thắp sáng, nước sạch và học tập.


Hướng dẫn điều kiện, thủ tục vay vốn đối với hộ nghèo mới nhất (Ảnh minh họa)
 

Lãi suất cho vay, mức cho vay và thời hạn cho vay với hộ nghèo

Theo Điều 16, 17 Nghị định 78/2002:

– Mức cho vay đối với một lần vay do Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội quyết định và công bố trên cơ sở nhu cầu vay vốn và khả năng nguồn vốn có thể huy động được trong từng thời kỳ;

(Ngày 22/02/2019, Ngân hàng Chính sách xã hội đã ban hành Quyết định 12/QĐ-HĐQT quy định mức cho vay tối đa với hộ nghèo là 100 triệu đồng/hộ không phải đảm bảo tiền vay, có hiệu lực từ 01/3/2019).

– Thời hạn cho vay được quy định căn cứ vào mục đích sử dụng vốn vay của Người vay và thời hạn thu hồi vốn của chương trình, dự án có tính đến khả năng trả nợ của Người vay;

– Thời hạn cho vay, gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn do Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội quy định.

Về lãi suất cho vay ưu đãi do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho từng thời kỳ theo đề nghị của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội, thống nhất một mức trong phạm vi cả nước, trừ một số tổ chức kinh tế.

(thường hộ nghèo được cho vay với lãi suất thấp. Cập nhật ngày 04/02/2021, lãi suất cho vay hộ nghèo trên website chính thức của Ngân hàng Chính sách xã hội là 6,6%/năm)

 

Thủ tục vay vốn đối với hộ nghèo 2021

Bước 1: Khi có nhu cầu vay vốn, người vay viết Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sử dụng vốn vay gửi Tổ tiết kiệm và vay vốn nơi cư trú.

Bước 2: Tổ tiết kiệm và vay vốn cùng tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác cấp xã và Trưởng thôn chứng kiến, giám sát tổ chức họp để bình xét công khai những hộ nghèo đủ điều kiện vay vốn, lập Danh sách hộ gia đình đề nghị vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội, trình Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đối tượng được vay vốn và cư trú hợp pháp tại xã.

Sau đó, Tổ tiết kiệm và vay vốn gửi hồ sơ đề nghị vay vốn tới Ngân hàng (bao gồm Giấy đề nghị vay vốn và Danh sách hộ gia đình đề nghị vay vốn).

Bước 3: Ngân hàng kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của bộ hồ sơ cho vay cho vay và thông báo tới Ủy ban nhân dân cấp xã Danh sách hộ gia đình được vay vốn.

Sau đó, Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo cho tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác cấp xã. Tổ chức chính trị – xã hội cấp xã thông báo cho Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Bước 4: Tổ tiết kiệm và vay vốn thông báo cho người vay vốn biết Danh sách hộ được vay, thời gian và địa điểm giải ngân.

Bước 5: Ngân hàng thực hiện giải ngân trực tiếp cho người vay tại điểm giao dịch xã đặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người vay cư trú hoặc tại trụ sở Ngân hàng chính sách xã hội nơi cho vay có sự chứng kiến của tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác cấp xã và Tổ tiết kiệm và vay vốn.