Về nguyên tắc, đơn khởi kiện nói chung và đơn xin ly hôn có thể tự viết hoặc đến Tòa án nơi có thẩm quyền thụ lý hồ sơ ly hôn yêu cầu cấp mẫu đơn. Tuy vậy, khi viết đơn khởi kiện ly hôn, kể cả khai theo mẫu, nhiều người vẫn gặp khó khăn.
Viết đơn ly hôn theo mẫu (mẫu số 23-DS, ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HDTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao) hay tự viết thì đều cần đảm bảo đầy đủ các nội dung theo quy định tại khoản 4 Điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
Dưới đây là hướng dẫn của LuatVietnam về cách viết đơn xin ly hôn.
Hướng dẫn cách viết đơn xin ly hôn cụ thể nhất (Ảnh minh họa)
Tại phần “Kính gửi”, cần ghi tên Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ án. Nếu là TAND cấp huyện, thì cần ghi rõ TAND huyện/quận nào thuộc tỉnh, thành phố nào; nếu là Toà án nhân dân cấp tỉnh, thì ghi rõ Toà án nhân dân tỉnh (thành phố) nào và địa chỉ của Toà án đó. Ví dụ: Tòa án nhân dân quận Ba Đình thuộc TP. Hà Nội (Địa chỉ: Số 53 Linh Lang, phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội).
Về địa chỉ của người khởi kiện, người bị kiện… cần ghi đầy đủ, rõ ràng, chính xác địa chỉ nơi cư trú tại thời điểm nộp đơn khởi kiện. Ví dụ: Nguyễn Văn A, cư trú tại thôn B, xã C, huyện M, tỉnh H.
Tại phần “Yêu cầu Tòa án giải quyết những vấn đề sau đây”, trong đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết việc ly hôn cần nêu được 03 vấn đề là: Quan hệ tình cảm (hôn nhân); Nuôi con và trợ cấp nuôi con; Tài sản và nợ chung. Cụ thể:
Thứ nhất, về quan hệ tình cảm (hôn nhân): Ghi thời gian kết hôn và chung sống, địa điểm chung sống tại đâu, hiện tại có đang chung sống cùng nhau hay không, nếu ở riêng thì từ bao giờ… Phần này cần thể hiện tình trạng mâu thuẫn vợ chồng và nguyên nhân mâu thuẫn… và đề nghị tòa giải quyết việc ly hôn.
Thứ hai, về nuôi con và trợ cấp nuôi con: Nếu đã có con chung ghi thông tin các con chung (tên, ngày tháng năm sinh…), nguyện vọng và đề nghị nuôi con, mức trợ cấp. Nếu chưa có con chung ghi chưa có.
Thứ ba, về tài sản và nợ chung.
– Phần tài sản chung: Nếu có tài sản ghi thông tin về tài sản (liệt kê toàn bộ bất động sản và động sản, kể cả tài sản đang cho vay, mượn, thuê, gửi ngân hàng…), trị giá thực tế, đề nghị phân chia… Nếu không có tài sản chung ghi không có.
– Phần nợ chung: Nếu có nợ chung ghi cụ thể số nợ (tiền hay tài sản, chủ nợ là ai, thời gian trả nợ…) và đề nghị phân nghĩa vụ trả nợ trong đơn. Nếu không có nợ chung ghi không có.
Về danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện, cần ghi rõ tên các tài liệu kèm theo đơn khởi kiện gồm có những chứng cứ, tài liệu nào và phải đánh số thứ tự.
Trường hợp có những thông tin khác mà người khởi kiện xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án thì nên ghi rõ trong đơn. Ví dụ: Khi xảy ra tranh chấp một trong các đương sự đã đi nước ngoài…
>> Thủ tục ly hôn: Cần giấy tờ gì? Nộp ở đâu?
>> Mẫu Đơn ly hôn chuẩn của Tòa án và thủ tục ly hôn nhanh nhất