Im lặng trong giao kết hợp đồng được xem là đồng ý? Update 01/2025

Trong cuộc sống hàng ngày, mọi người vẫn thường hay nói “im lặng là đồng ý”. Vậy còn dưới góc độ pháp lý, im lặng trong giao kết hợp đồng có được xem là đồng ý không?

Thời điểm giao kết và có hiệu lực của hợp đồng

Theo Điều 400 Bộ luật Dân sự 2015, thời điểm giao kết hợp đồng được xác định như sau:

– Hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được chấp nhận giao kết hợp đồng.

– Trường hợp các bên có thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng trong một thời hạn thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm cuối cùng của thời hạn đó.

– Thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng.

– Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản.

– Trường hợp hợp đồng giao kết bằng lời nói và sau đó được xác lập bằng văn bản thì thời điểm giao kết hợp đồng được xác định là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng.

Theo đó, hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác.

im lặng trong giao kết hợp đồng là đồng ý

Im lặng trong giao kết hợp đồng được xem là đồng ý? (Ảnh minh họa)
 

Im lặng có mặc nhiên là chấp nhận không?

Như ở trên đã nêu, hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên đề nghị giao kết hợp đồng nhận được chấp nhận giao kết hợp đồng.

Mà chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự trả lời của bên được đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị (theo khoản 1 Điều 393 Bộ luật Dân sự 2015).

Sự im lặng của bên được đề nghị không được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc theo thói quen đã được xác lập giữa các bên.

Như vậy, việc im lặng của bên nhận đề nghị giao kết hợp đồng không mặc nhiên với việc chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.

Im lặng được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

– Khi giữa các bên tồn tại thỏa thuận xem sự im lặng của bên nhận đề nghị giao kết là chấp nhận toàn bộ lời đề nghị;

– Theo thói quen được thiết lập lặp đi lặp lại, thường xuyên của các bên, không cần phải có sự trả lời.

Đồng thời, theo thực tiễn xét xử, sự im lặng là biểu hiện của sự chấp nhận giao kết hợp đồng nếu có sự xuất hiện của các yếu tố:

– Bên im lặng biết bên kia thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng nhưng không phản đổi;

– Bên im lặng đã thực hiện nghĩa vụ của mình đối với bên kia;

– Im lặng trong quá trình giao kết hợp đồng nhưng sau đó yêu cầu bên kia thực hiện hợp đồng.

>> Phân biệt hợp đồng và hợp đồng thương mại dễ hiểu nhất

Hậu Nguyễn