Khai Sơ yếu lý lịch không cần về nơi thường trú Update 01/2025

Thực tế, nhiều người vẫn cho rằng Sơ yếu lý lịch phải có xác nhận của UBND phường, xã nơi thường trú, suy nghĩ này là không chính xác. Theo quy định tại Điều 24 Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì chỉ cần chứng thực chữ ký trên Sơ yếu lý lịch (Tờ khai lý lịch cá nhân).

Khai Sơ yếu lý lịch không cần về nơi thường trú

Khai Sơ yếu lý lịch không cần về nơi thường trú (Ảnh minh họa)

Chứng thực chữ ký” là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người yêu cầu chứng thực. Chữ ký được chứng thực theo quy định có giá trị chứng minh người yêu cầu chứng thực đã ký chữ ký đó, là căn cứ để xác định trách nhiệm của người ký về nội dung của giấy tờ, văn bản.

Người có thẩm quyền chứng thực chữ ký trên Sơ yếu lý lịch là: Trưởng phòng, Phó Trưởng Phòng Tư pháp cấp huyện; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã; công chứng viên của Phòng công chứng, Văn phòng công chứng; viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự của Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và Cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.

Khoản 5 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định rõ: Việc chứng thực chữ ký không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực. Như vậy, để được hợp pháp hóa Sơ yếu lý lịch/Tờ khai lý lịch cá nhân, người dân trong nước có thể lựa chọn 01 trong 03 cách sau:

1. Ra UBND phường, xã nơi có hộ khẩu thường trú để xác nhận

Người khai mang hộ khẩu và chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu ra UBND nơi đăng ký hộ khẩu thường trú kèm với Sơ yếu lý lịch đã khai đầy đủ và đề nghị họ xác nhận vào đó.

2. Ra bất kỳ UBND phường, xã hoặc Phòng Tư pháp nào để xác nhận

Bất cứ Phòng Tư pháp, UBND phường, xã nào cũng có thẩm quyền chứng thực vào Sơ yếu lý lịch là đúng người khai lý lịch đã ký trước mặt họ và chữ ký đó là chữ ký của người khai.

Lưu ý: Thông thường, nếu người khai trình bày yêu cầu là cần xác nhận hoặc chứng thực Sơ yếu lý lịch thì phía UBND xã sẽ hướng dẫn người khai về UBND phường, xã nơi thường trú để được xác nhận. Do vậy, người yêu cầu cần nói ra là muốn chứng thực chữ ký của mình trong đó.

3. Ra bất kỳ Văn phòng công chứng nào để xác nhận

Các Văn phòng công chứng hiện nay đều có thẩm quyền chứng thực chữ ký và người khai chỉ cần mang theo giấy tờ tùy thân cùng với Sơ yếu lý lịch để được chứng thực chữ ký trên Sơ yếu lý lịch.

Thông tư 226/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định cụ thể về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí chứng thực. Theo đó, phí chứng thực chữ ký là 10.000 đồng/trường hợp. Trường hợp được hiểu là một hoặc nhiều chữ ký trong cùng một giấy tờ, văn bản.

Để thực hiện tốt Nghị định 23/2015/NĐ-CP, ngày 25/08/2017 Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đã có Công văn 873/HTQTCT-CT về việc quán triệt thực hiện chứng thực Sơ yếu lý lịch. Theo đó, UBND cấp xã, Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện, các tổ chức hành nghề công chứng chỉ thực hiện chứng thực chữ ký của người yêu cầu trên Sơ yếu lý lịch, tuyệt đối không phê nội dung nhận xét về việc chấp hành chủ trương, pháp luật, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước, địa phương vào Sơ yếu lý lịch của công dân.

Xem thêm:

Luật Công chứng: 8 điểm đáng chú ý nhất năm 2018

Luật Hộ tịch: 8 điểm nổi bật nhất năm 2018

Luật Cư trú: 8 điểm mới người dân cần biết trong năm 2018

Mẫu tờ khai lý lịch tư pháp mới nhất

LuatVietnam