Khi nào bị trả hồ sơ khởi kiện tranh chấp đất đai? Update 01/2025

Khởi kiện tranh chấp đất đai thường sẽ là cách cuối cùng để giải quyết tranh chấp. Việc khởi kiện phải tuân thủ chặt chẽ những quy định của pháp luật, trong rất nhiều trường hợp sẽ bị tòa án trả lại đơn khởi kiện nếu không nắm rõ quy định.

6 trường hợp trả lại đơn khởi kiện tranh chấp đất đai

Căn cứ theo Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, những trường hợp sau đây sẽ bị trả lại đơn khởi kiện:

1. Người khởi kiện không có quyền khởi kiện

* Không có quyền khởi kiện

Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:

“Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.

Như vậy, chỉ các bên tranh chấp trong việc xác định ai là người có quyền sử đất hoặc người đại diện hợp pháp mới có quyền khởi kiện. Nếu người khác khởi kiện mà không được một trong các bên tranh chấp ủy quyền thì sẽ bị trả lại đơn.

* Không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự.

Căn cứ khoản 2 Điều 69 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, người không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự gồm:

Thứ nhất, người không có năng lực hành vi dân sự (gồm người chưa đủ 06 tuổi hoặc người mất năng lực hành vi dân sự).

Cần phải hiểu rõ thế nào là người mất năng lực hành vi dân sự? (trường hợp người bị bệnh tâm thần không mặc nhiên mất năng lực hành vi dân sự), cụ thể:

Theo khoản 1 Điều 22 Bộ luật Dân sự 2015, người mất năng lực hành vi dân sự là người phải đủ các điều kiện sau:

+ Bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi.

+ Người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan có yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

+ Tòa án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

Thứ hai, người chưa đủ năng lực hành vi dân sự (gồm người từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi và người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi). Việc thực hiện quyền khởi kiện do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện. Hay nói cách khác, nếu xảy ra tranh chấp đất đai thì những những người trên không có quyền tự mình thực hiện việc khởi kiện tại Tòa án.

Thứ ba, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì năng lực hành vi tố tụng dân sự của họ được xác định theo quyết định của Tòa án. Quyền khởi kiện do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện.

trả hồ sơ khởi kiện tranh chấp đất đai

Khi nào bị trả hồ sơ khởi kiện tranh chấp đất đai? (Ảnh minh họa)
 

2. Chưa có đủ điều kiện khởi kiện

Chưa có đủ điều kiện khởi kiện là trường hợp pháp luật có quy định về các điều kiện khởi kiện nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó.

Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP quy định:

“Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015”.

Như vậy, tranh chấp đất đai phải tổ chức hòa giải tại UBND cấp xã (đây là thủ tục bắt buộc), nếu không hòa giải mà nộp đơn khởi kiện sẽ bị trả lại đơn.

Lưu ý: Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,… thì thủ tục hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện vụ án.

3. Đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực

Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, tranh chấp đất đai đã được giải quyết bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì không có quyền khởi kiện, trường hợp khởi kiện sẽ bị trả lại đơn.

4. Không nộp biên lai tạm ứng án phí

Điểm d khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:

“Hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 195 của Bộ luật này mà người khởi kiện không nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án, trừ trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc có trở ngại khách quan, sự kiện bất khả kháng”.

Theo quy định trường hợp phải nộp án phí thì trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.

Như vậy, hết thời hạn trên mà người khởi kiện chưa nộp tiền tạm ứng án phí và biên lai thu tiền tạm ứng án phí thì sẽ bị thẩm phán trả lại đơn khởi kiện.

Lưu ý: Sau khi nộp tạm ứng án phí thì phải lấy biên lai và nộp lại cho Tòa án. Trên thực tế, nhiều trường hợp sau khi nộp tạm ứng án phí sau đó mang biên lai về cất, khi đó sẽ bị trả lại đơn khởi kiện.

5. Không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu

Theo điểm e khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện không ghi đầy đủ, cụ thể hoặc ghi không đúng tên, địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà không sửa chữa, bổ sung theo yêu cầu của Thẩm phán thì Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện.

6. Người khởi kiện rút đơn khởi kiện

Trên đây là những trường hợp bị trả hồ sơ khởi kiện tranh chấp đất đai. Trong đó, tranh chấp đất đai mà không qua hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất là một trong những trường hợp phổ biến và nhiều người mắc phải nhất.

>> Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai: Hướng dẫn chi tiết nhất

Khắc Niệm