Miễn nhiệm có phải là hình thức xử lý kỷ luật?
Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 34/2011/NĐ-CP, công chức sẽ bị kỷ luật khi vi phạm những điều công chức không được làm, bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật, vi phạm quy định về phòng chống tham nhũng, mại dâm… Lúc này, công chức sẽ bị xử lý bằng các hình thức:
– Với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, buộc thôi việc;
– Với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc.
Có thể thấy, trong các hình thức xử lý kỷ luật công chức nói trên không có miễn nhiệm. Do đó, miễn nhiệm không phải là hình thức xử lý kỷ luật. Bởi về bản chất đây chỉ là hình thức giải quyết cho công chức được thôi giữ chức vụ, chức danh và phải được cấp có thẩm quyền đồng ý.
Khi nào miễn nhiệm công chức? (Ảnh minh họa)
5 trường hợp công chức được miễn nhiệm
Theo quy định tại Điều 7 Luật Cán bộ, công chức, miễn nhiệm là việc cán bộ, công chức được thôi giữ chức vụ, chức danh khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm.
Trong đó, công chức được xin miễn nhiệm khi không đủ sức khỏe, không đủ năng lực, uy tín, theo yêu cầu nhiệm vụ hoặc vì lý do khác.
Bên cạnh đó, Điều 42 Nghị định 24/2010 của Chính phủ nêu rõ hơn các trường hợp công chức miễn nhiệm gồm:
– Được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển, bố trí, phân công công tác khác mà không được kiêm nhiệm chức vụ cũ;
– Không đủ sức khỏe để tiếp tục lãnh đạo, quản lý;
– Không hoàn thành nhiệm vụ hoặc vi phạm kỷ luật của Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước nhưng chưa đến mức bị kỷ luật bằng hình thức cách chức;
– Không đủ năng lực, uy tín để làm việc;
– Vi phạm quy định của cơ quan có thẩm quyền về bảo vệ chính trị nội bộ.
Lúc này, công chức lãnh đạo, quản lý sau khi miễn nhiệm sẽ được bố trí công tác phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo hoặc nghỉ hưu, thôi việc.
Đặc biệt: Nếu chưa được cấp có thẩm quyền đồng ý thì vẫn phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Có thể thấy, tại Nghị định 24, Chính phủ có quy định chi tiết hơn các trường hợp công chức được miễn nhiệm. Theo đó, chế độ, chính sách dành cho công chức lãnh đạo, quản lý miễn nhiệm:
– Được bảo lưu phụ cấp chức vụ hiện hưởng trong vòng 06 tháng kể từ ngày có quyết định miễn nhiệm nếu vì lý do sức khỏe;
– Không được hưởng phụ cấp chức vụ kể từ ngày có quyết định miễn nhiệm nếu vì các lý do khác như không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, pháp luật mà chưa đến mức bị cách chức, không đủ năng lực, uy tín để làm việc…
Như vậy, công chức sẽ được miễn nhiệm trong 05 trường hợp nêu trên và việc miễn nhiệm này bắt buộc phải được cấp có thẩm quyền đồng ý. Nếu không, công chức vẫn phải thực hiện nhiệm vụ của mình.
>> 5 tiêu chí phân biệt bãi nhiệm, miễn nhiệm và cách chức
Nguyễn Hương