1. Những trường hợp không phải chịu lệ phí Tòa án
Theo khoản 2 Điều 11 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, những trường hợp không phải chịu lệ phí Tòa án, gồm:
– Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã trong 02 trường hợp sau:
+ Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
+ Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán không còn tiền, tài sản khác để nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản, cụ thể:
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
– Ban chấp hành công đoàn cơ sở yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công.
– Đại diện tập thể người lao động yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công.
– Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật; thay đổi người trực tiếp nuôi con; hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên; buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó; cơ quan Nhà nước yêu cầu Tòa án cung cấp bản sao, trích lục bản án.
– Viện kiểm sát kháng nghị quyết định của Tòa án theo thủ tục phúc thẩm.
– Các trường hợp khác mà pháp luật có quy định.
Khi nào được miễn giảm lệ phí Tòa án? (Ảnh minh họa)
2. Toàn bộ trường hợp được miễn lệ phí Tòa án
Căn cứ khoản 2 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, những đối tượng sau đây được miễn tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án khi yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, gồm:
– Trẻ em;
– Cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo;
– Người cao tuổi;
– Người khuyết tật;
– Người có công với cách mạng;
– Đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn;
– Thân nhân liệt sĩ được cơ quan Nhà nước cấp Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ.
3. Giảm tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án
Theo khoản 1 Điều 13 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, người gặp sự kiện bất khả kháng dẫn đến không có đủ tài sản để nộp tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú thì được Tòa án giảm 50% mức tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án.
Lưu ý: Dù có văn bản xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nhưng vẫn phải chịu toàn bộ lệ phí Tòa án khi thuộc một trong các trường hợp sau:
– Có căn cứ chứng minh người được giảm tạm ứng lệ phí, lệ phí Tòa án không phải là người gặp sự kiện bất khả kháng dẫn đến không có tài sản để nộp.
– Theo quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án thì họ có tài sản để nộp toàn bộ tiền lệ phí Tòa án mà họ phải chịu.
* Hồ sơ đề nghị miễn, giảm lệ phí Tòa án
Khi thuộc trường hợp được miễn, giảm tạm ứng lệ phí, lệ phí Tòa án thì không tự nhiên được miễn, giảm mà phải có hồ sơ đề nghị như sau:
Theo khoản 1 Điều 14 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, người đề nghị được miễn, giảm tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án phải có đơn đề nghị nộp cho Tòa án có thẩm quyền kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh thuộc trường hợp được miễn, giảm.
Đơn đề nghị phải có các nội dung sau đây:
– Ngày, tháng, năm làm đơn.
– Họ, tên, địa chỉ của người làm đơn.
– Lý do và căn cứ đề nghị miễn, giảm.
Trên đây là các trường hợp được miễn giảm lệ phí Tòa án. Khi thuộc đối tượng miễn, giảm thì người yêu cầu phải có đơn đề nghị và các tài liệu, chứng cứ chứng minh kèm theo.
>> Lệ phí Tòa án là gì? Mức thu lệ phí Tòa án
Khắc Niệm