Khoản 21 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định:
“Tiền sử dụng đất là số tiền mà người sử dụng đất phải trả cho Nhà nước khi được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất”
Như vậy, người sử dụng đất phải trả tiền sử dụng đất cho Nhà nước khi thuộc một trong những trường hợp sau:
Trường hợp 1: Công nhận quyền sử dụng đất (là việc Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng đất ổn định mà không có nguồn gốc được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thông qua việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu – đây là cách mà người dân được cấp Giấy chứng nhận phổ biến nhất).
Theo khoản khoản 3 Điều 2 Nghị định 45/2014/NĐ-CP, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất làm nhà ở, đất phi nông nghiệp được Nhà nước công nhận có thời hạn lâu dài trước ngày 01/7/2014 khi được cấp Giấy chứng nhận thuộc một trong những trường hợp dưới đây phải nộp tiền sử dụng đất:
– Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ổn định từ trước ngày 15/10/1993 mà không có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 100 Luật Đất đai năm 2013.
Lưu ý: Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có nhà ở, công trình xây dựng khác từ trước ngày 15/10/1993 mà tại thời điểm bắt đầu sử dụng đất không có một trong các hành vi vi phạm theo quy định tại Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP nếu được cấp Giấy chứng nhận thì không phải nộp tiền sử dụng đất trong 02 trường hợp sau:
+ Đất có nhà ở thì không phải nộp tiền sử dụng đất đối với diện tích đất ở đang sử dụng trong hạn mức công nhận đất ở cho mỗi hộ gia đình, cá nhân.
+ Đất có công trình xây dựng không phải là nhà ở, nếu được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp như hình thức được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất với thời hạn sử dụng lâu dài thì không phải nộp tiền sử dụng đất.
– Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 01/7/2004 mà không có giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 100 Luật Đất đai năm 2013.
– Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở có nguồn gốc được giao không đúng thẩm quyền trước ngày 01/7/2004.
Lưu ý: Dù đất ở có nguồn gốc được giao không đúng thẩm quyền nhưng không phải nộp tiền sử dụng đất nếu thuộc 02 trường hợp sau:
+ Sử dụng đất có nhà ở từ trước ngày 15/10/1993 và có giấy tờ chứng minh về việc đã nộp tiền cho cơ quan, tổ chức để được sử dụng đất.
+ Sử dụng đất có nhà ở ổn định trong khoảng thời gian từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 01/7/2004 và có giấy tờ chứng minh đã nộp tiền để được sử dụng đất, giấy tờ đó nộp theo đúng mức thu quy định của pháp luật đất đai năm 1993.
– Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở có nguồn gốc được giao không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm pháp luật đất đai kể từ ngày 01/7/2004 đến trước ngày 01/7/2014 mà nay được Nhà nước xét cấp Giấy chứng nhận.
Khi nào phải nộp tiền sử dụng đất? (Ảnh minh họa)
Trường hợp 2: Được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất
Căn cứ Điều 55 Luật Đất đai 2013, Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất trong các trường hợp sau:
– Hộ gia đình, cá nhân được giao đất ở.
– Tổ chức kinh tế được giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê.
– Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê.
– Tổ chức kinh tế được giao đất thực hiện dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng.
Trường hợp 3: Cho phép chuyển mục đích sử dụng đất
Khi chuyển mục đích sử dụng đất không phải mọi trường hợp đều phải nộp tiền sử dụng đất.
Xem chi tiết tại: Tiền sử dụng đất khi cấp Sổ đỏ, chuyển mục đích sử dụng đất
Trên đây là quy định giải đáp cho câu hỏi khi nào phải nộp tiền sử dụng đất? Nếu thuộc trường hợp phải nộp tiền sử dụng đất thì cơ quan thuế sẽ thông báo số tiền phải nộp, thời hạn nộp nên người dân cần thực hiện theo thông báo.
>> Toàn bộ trường hợp làm Sổ đỏ mà không phải nộp tiền sử dụng đất