Khi nào Tòa án không công nhận thỏa thuận tài sản của vợ chồng? Update 01/2025

Vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc theo thỏa thuận. Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Vậy khi nào thỏa thuận tài sản của vợ chồng không được pháp luật công nhận?

Thỏa thuận tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu khi thuộc một trong ba trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 sau:

Không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch

Theo đó, nếu thỏa thuận này không đáp ứng các yêu cầu về hiệu lực của giao dịch được quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 và các luật khác có liên quan như: Điều kiện về năng lực hành vi, năng lực pháp luật của vợ chồng, nội dung thỏa thuận vi phạm điều cấm, vi phạm đạo đức xã hội,…thì sẽ không được Tòa án công nhận.

Khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP quy định, thỏa thuận tài sản của vợ chồng có thể bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ hoặc vô hiệu một phần trong trường hợp:

– Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp dụng.

– Trường hợp thỏa thuận tài sản của vợ chồng bị tuyên bố vô hiệu một phần thì các nội dung không bị vô hiệu vẫn được áp dụng; đối với phần nội dung bị vô hiệu thì các quy định tương ứng về chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp dụng.

Tòa án không công nhận thỏa thuận tài sản của vợ chồng khi nào? (Ảnh minh họa)

Vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng

Cụ thể, điểm b khoản 1 Điều 50 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 ghi nhận rằng, nếu thỏa thuận tài sản của vợ chồng vi phạm một trong các quy định tại các Điều 29, 30, 31 và 32 của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì sẽ bị tuyên bố vô hiệu.

Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP lưu ý trường hợp thỏa thuận tài sản của vợ chồng bị vô hiệu do vi phạm quyền được bảo đảm chỗ ở của vợ, chồng quy định tại Điều 31 và điểm b khoản 1 Điều 50 của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 là trường hợp thỏa thuận đó cho phép một bên được quyền định đoạt nhà ở là nơi ở duy nhất của vợ chồng dẫn đến:

–  Vợ, chồng không có chỗ ở;

– Không bảo đảm chỗ ở tối thiểu về diện tích, điều kiện sinh hoạt, an toàn, vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng

Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định nếu nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình thì sẽ không được Tòa án công nhận.

Sự vi phạm nghiêm trọng ở đây là trường hợp thỏa thuận đó nhằm: Trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng quy định từ Điều 110 đến Điều 115 của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014; Tước bỏ quyền thừa kế của những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015; Vi phạm các quyền, lợi ích hợp pháp của cha, mẹ, con và các thành viên khác của gia đình đã được Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 và pháp luật khác có liên quan quy định.

Những người sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thỏa thuận tài sản của vợ chồng bị vô hiệu:

– Vợ, chồng hoặc vợ chồng đã thỏa thuận về chế độ tài sản;

– Người bị xâm phạm, người giám hộ của người bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp do có thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng.

Như vậy, không phải trong mọi trường hợp, thỏa thuận tài sản của vợ chồng đều được công nhận. Các bên nên tìm hiểu rõ quy định pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi thỏa thuận về tài sản trong quan hệ hôn nhân và gia đình.

Xem thêm:

Luật Hôn nhân và Gia đình: 10 điểm nổi bật nhất 2018

Trước và sau khi kết hôn nhất định phải biết những điều này

Xác định nợ riêng, nợ chung của vợ chồng thế nào?

Chia tài sản ly hôn khi sống chung với gia đình chồng

Phải chứng minh những gì để giành quyền nuôi con?

LuatVietnam