Việc chồng hoặc gia đình nhà chồng cấm đoán, ngăn cản vợ về thăm bố mẹ đẻ không hề hiếm gặp trong đời sống. Thế nhưng, rất ít người biết rằng đây là một tình huống được pháp luật điều chỉnh.
Ngăn cản vợ về nhà ngoại, chồng bị phạt đến 300.000 đồng
Hiện nay, các quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực hôn nhân và gia đình được áp dụng theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Điểm a khoản 1 Điều 52 của Nghị định này chỉ rõ: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng – 300.000 đồng đối với hành vi cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó.
Theo đó, nếu người chồng có hành vi cấm đoán, ngăn cản vợ về thăm bố mẹ đẻ, kể cả trong dịp Tết nhằm gây áp lực tâm lý thường xuyên đối với người vợ sẽ chịu mức phạt nêu trên.
Ngược lại, nếu vợ cấm đoán chồng gặp gỡ người thân, bạn bè cũng với mục đích gây áp lực tâm lý đến người chồng thì cũng sẽ chịu mức phạt tương tự.
Không cho vợ về nhà ngoại ăn Tết, chồng bị phạt (Ảnh minh họa)
Không cho vợ đi làm, chồng cũng bị phạt
Quyền được làm việc là quyền chính đáng của mỗi người, không ai có quyền ngăn cản. Theo đó, điểm b, khoản 2 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định, việc không cho thành viên gia đình thực hiện quyền làm việc thì sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng – 300.000 đồng.
Mức phạt nêu trên cũng có thể áp dụng đối với trường hợp người chồng cấm vợ đi làm để chuyên tâm với công việc nội trợ, chăm sóc con cái vốn khá phổ biến trong thực tế hiện nay.
Trái lại, hành vi ép buộc thành viên gia đình lao động quá sức hoặc làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm… sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng – 01 triệu đồng, theo điểm b khoản 2 Điều 56 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Ngoài mức phạt đối với các hành vi trên, Nghị định 167/2013/NĐ-CP cũng quy định Vợ chì chiết chồng, bị phạt 1 triệu đồng và Vợ lột sạch lương của chồng bị phạt đến 500.000 đồng.
LuatVietnam