Người dân có quyền khiếu nại quyết định xử phạt của CSGT
Theo trình tự khiếu nại quy định tại Điều 7 Luật Khiếu nại 2011, khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người dân có quyền:
– Khiếu nại lần đầu đến CSGT đã ra quyết định xử phạt hành chính hoặc cơ quan của CSGT ra quyết định xử phạt;
– Khởi kiện vụ án hành chính.
Đối với việc khiếu nại, trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu (hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án).
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.
Việc khiếu nại được thực hiện bằng 02 hình thức:
– Gửi Đơn khiếu nại;
– Khiếu nại trực tiếp.
Trường hợp khiếu nại được thực hiện bằng đơn thì trong Đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại; tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại.
Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.
Trường hợp người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì người khiếu nại viết Đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận khiếu nại ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận.
Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính (trừ trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác).
Làm gì khi không đồng ý với quyết định xử phạt của CSGT? (Ảnh minh họa)
Khởi kiện tại Tòa án
Theo Luật Tố tụng hành chính 2015, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án hành chính để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của Luật này.
Người khởi kiện gửi các giấy tờ sau trực tiếp tại Tòa án hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc gửi trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có) đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án:
– Đơn khởi kiện;
– Bản chính quyết định xử phạt của CSGT;
– Các tài liệu chứng minh cho yêu cầu của người khởi kiện;
– Bản chính quyết định giải quyết khiếu nại hoặc chứng cứ chứng minh việc đã khiếu nại (nếu có)…
Người khởi kiện có thể đồng thời yêu cầu CSGT đã ra quyết định xử phạt bồi thường thiệt hại do quyết định hành chính gây ra nếu quyết định xử phạt là nguyên nhân gây ra thiệt hại cho người khởi kiện (chẳng hạn do bị giữ xe mà không thể chở khách dẫn đến mất thu nhập…)
Thời hiệu khởi kiện đối với từng trường hợp được quy định như sau:
– Chưa khiếu nại: Thời hiệu khởi kiện là 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định xử phạt.
– Đã khiếu nại:
+ 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;
+ 01 năm kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền không giải quyết và không có văn bản trả lời cho người khiếu nại.