Làm lại Sổ đỏ: Hồ sơ, thủ tục, thời gian thực hiện Update 11/2024

Khi quản lý, sử dụng Giấy chứng nhận (Sổ đỏ) thì người dân có thể làm mất, làm rách hoặc hư hỏng. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng thực thiện theo thủ tục làm lại Sổ đỏ để có Sổ đỏ mới.

Khi nào được cấp lại Giấy chứng nhận?

Căn cứ khoản 1 Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và Điều 16 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT, người dân được cấp lại Giấy chứng nhận hoặc cấp lại trang bổ sung của Giấy chứng nhận nếu bị mất.

Khác với các thủ tục hành chính khác trong lĩnh vực đất đai, người dân không nộp hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận luôn mà phải khai báo với UBND xã, phường, thị trấn (gọi tắt là UBND cấp xã), cụ thể:

Khoản 1 Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định hộ gia đình, cá nhân có Giấy chứng nhận bị mất phải khai báo với UBND cấp xã nơi có đất về việc bị mất Giấy chứng nhận, trừ trường hợp mất do thiên tai, hỏa hoạn.

Sau khi tiếp nhận khai báo của hộ gia đình, cá nhân thì UBND cấp xã có trách nhiệm niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận tại trụ sở UBND cấp xã.

Sau 30 ngày, kể từ ngày niêm yết thông báo, hộ gia đình, cá nhân bị mất Giấy chứng nhận nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận.

làm lại sổ đỏHồ sơ, thủ tục làm lại Sổ đỏ (Ảnh minh họa)
 

Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận

Theo khoản 2 Điều 10 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận do bị mất gồm có:

– Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận theo Mẫu số 10/ĐK.

– Giấy xác nhận của UBND cấp xã về việc đã niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận.

– Nếu bị mất Giấy chứng nhận do thiên tai, hỏa hoạn phải có giấy xác nhận của UBND cấp xã về việc thiên tai, hỏa hoạn đó.

Trình tự, thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận

Bước 1: Nộp hồ sơ

Căn cứ Điều 60 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, nơi nộp hồ sơ được thực hiện như sau:

Cách 1: Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nơi có nhà đất nếu có nhu cầu.

Cách 2: Không nộp tại UBND cấp xã thì:

– Nếu địa phương đã tổ chức Bộ phận một cửa để tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính thì nộp tại Bộ phận một cửa cấp huyện.

– Nếu địa phương chưa tổ chức Bộ phận một cửa thì nộp trực tiếp tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện hoặc tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đối với địa phương chưa có Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ

Bước 3: Giải quyết yêu cầu

Khi tiếp nhận hồ sơ thì cơ quan đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và thực hiện những công việc sau:

– Trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất đối với trường hợp chưa có bản đồ địa chính và chưa trích đo địa chính thửa đất.

– Lập hồ sơ trình UBND cấp huyện ký quyết định hủy Giấy chứng nhận bị mất, đồng thời ký cấp lại Giấy chứng nhận.

– Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.

Bước 4: Trả kết quả

Thời gian cấp lại: Không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không quá 20 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Lưu ý: Thời gian trên không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ; thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã…

Trên đây là quy định về hồ sơ, trình tự, thời gian thực hiện thủ tục làm lại Sổ đỏ. Đối với trường hợp Sổ đỏ bị rách, hư hỏng thì người dân không thực hiện theo thủ tục trên đây mà thực hiện theo hướng dẫn hồ sơ, thủ tục cấp đổi Sổ đỏ.