Khi không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, làm thế nào để người lao động nhận được sự hỗ trợ từ chính sách an sinh xã hội của Nhà nước? Câu trả lời chính là tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.
Khoản 1 Điều 8 Quyết định 595/QĐ-BHXH liệt kê các trường hợp tham gia BHXH tự nguyện gồm:
– Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 03 tháng trước ngày 01/01/2018;
– Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng từ ngày 01/01/2018 trở đi;
– Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, bản, sóc, làng, tổ dân phố, khu, khu phố;
– Người lao động giúp việc gia đình;
– Người tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ không hưởng tiền lương;
– Xã viên không hưởng tiền lương, tiền công làm việc trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
– Người nông dân, người lao động tự tạo việc làm bao gồm những người tự tổ chức hoạt động lao động để có thu nhập cho bản thân và gia đình;
– Người lao động đã đủ điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu;
– Người tham gia khác.
Lưu ý:
Những đối tượng nêu trên phải là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định.
Làm việc tự do, đóng bảo hiểm thế nào để được lợi? (Ảnh minh họa)
Cách thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Theo điểm b khoản 1 Điều 99 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, khi đăng ký tham gia BHXH tự nguyện lần đầu, người lao động nộp Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội cho cơ quan BHXH nơi cư trú.
Trong 07 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan BHXH sẽ cấp sổ bảo hiểm cho người lao động.
Có thể thấy, với thủ tục đơn giản, Nhà nước đang tạo điều kiện tốt nhất để mọi lao động được tham gia BHXH.
Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện
Cũng theo Quyết định 595, cụ thể tại khoản 1 Điều 10, khi tham gia BHXH tự nguyện, người lao động phải đóng với mức như sau:
Mức đóng hàng tháng |
= |
22% |
x |
Mức thu nhập lựa chọn |
Trong đó:
Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (700.000 đồng/người/tháng) và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Ví dụ:
Bà A đăng ký tham gia BHXH tự nguyện với mức thu nhập tháng là 4.000.000 đồng/tháng. Mức đóng BHXH tự nguyện tháng 4/2020 của bà sẽ là 22% x 4.000.000 đồng = 880.000 đồng.
Lưu ý:
Người tham gia còn có thể lựa chọn đóng theo phương thức đóng hàng tháng; 03 tháng một lần; 06 tháng một lần hoặc 12 tháng một lần.
Điều đặc biệt, theo khoản 1 Điều 12 Quyết định này, người tham gia BHXH tự nguyện còn được Nhà nước hỗ trợ mức đóng. Cụ thể:
Người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn:
– 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo;
– 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo;
– 10% đối với các đối tượng khác.
Mức hỗ trợ hàng tháng được tính theo công thức:
Mức hỗ trợ |
= |
k |
x |
22% |
x |
Mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn |
Trong đó:
k là tỷ lệ phần trăm hỗ trợ của Nhà nước:
– k = 30% với người tham gia thuộc hộ nghèo;
– k = 25% với người tham gia thuộc hộ cận nghèo;
– k = 10% với các đối tượng khác.
Ví dụ:
Bà B thuộc hộ gia đình cận nghèo tham gia BHXH tự nguyện từ tháng 6/2019 với mức thu nhập tháng lựa chọn là 800.000 đồng/tháng, phương thức đóng hàng tháng.
Mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn đang áp dụng là 700.000 đồng/tháng. Số tiền đóng BHXH tự nguyện của bà B sẽ là: 22% x 800.000 đồng/tháng – 25% x 22% x 700.000 đồng/tháng = 137.500 đồng/tháng.
Như đã đề cập, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất. Vậy đóng bao lâu thì mới được hưởng? Đơn cử như việc hưởng lương hưu.