Lỗi “sai làn” hiểu sao cho đúng? Update 01/2025

Khi tham gia giao thông, không ít người điều khiển phương tiện giao thông bị phạt với lỗi đi “sai làn” với mức phạt không hề nhỏ. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu đúng về lỗi “sai làn” này. Vậy lỗi “sai làn” là thế nào?

Thế nào là lỗi “sai làn”?

Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ là một trong những nguyên tắc được nhấn mạnh tại Điều 9 Luật Giao thông đường bộ 2008.

Căn cứ vào phụ lục D Quy chuẩn 41/2016/BGTVT, biển số R.412 (a,b,c,d,e,f,g,h) về  “Làn đường dành riêng cho từng loại xe” để báo hiệu cho người tham gia giao thông biết có làn đường dành riêng cho từng loại xe riêng biệt.

Theo đó, biển được đặt phía trên làn xe , ở đầu đường theo chiều xe chạy. Tùy loại phương tiện cần quy định mà bố trí biển cho phù hợp. Các loại xe khác không được đi vào làn đường có đặt biển này (trừ các xe được quyền ưu tiên theo quy định).

 


Lỗi “sai làn” là thế nào? (Ảnh minh họa)
 

Riêng biển số R.412e “Làn đường dành cho xe buýt”, nếu vạch sơn phân làn dành cho xe buýt có dạng nét đứt, các xe khác có thể đi vào làn xe này nhưng phải ưu tiên cho xe buýt (phải nhường đường, chuyển sang làn khác để không ảnh hưởng đến việc vận hành của xe buýt); trường hợp vạch sơn phân làn dành cho xe buýt là nét liền, các phương tiện khác không được đi vào làn đường dành cho xe buýt.

Nếu người điều khiển phương tiện giao thông đi không đúng làn đường đã được quy định sẽ bị phạt với lỗi đi không đúng làn đường với mức phạt tiền từ 800.000 đồng – 1.200.000 đồng (điểm c khoản 4 Điều 5 Nghị định 46/2016 của Chính phủ).

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm trên còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng

Thế nào là lỗi không tuân thủ vạch kẻ đường?

Đối với trường hợp vạch kẻ ô vuông chéo (hay còn gọi là vạch mắt võng) là phần đường cho các phương tiện rẽ phải. Vạch kẻ ô vuông chéo này có mục đích là để quy định bảo đảm sự thông suốt của các phương tiện rẽ phải.

Ở các ngã tư có vạch kẻ này thì các phương tiện được phép rẽ phải mà không phải quan tâm đến đèn đỏ và biển báo cho rẽ. Tuy nhiên, vạch kẻ này nghiêm cấm các phương tiện dừng, đỗ trên vạch.

Nếu người điều khiển phương tiện tham gia giao thông dừng đèn đỏ trên khu vực có kẻ ô chéo này thì vi phạm lỗi “Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường”. Vạch kẻ ô chéo này không có tác dụng phân làn cho luồng phương tiện đi thẳng hay rẽ phải.

Đối với lỗi không tuân thủ vạch kẻ đường mức phạt tiền là từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng (điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP)

Do vậy, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông cần hiểu cho đúng về lỗi “sai làn” cũng như các lỗi tương tự khác để tránh vi phạm cũng như nhầm lẫn trong quá trình tham gia giao thông.

Xem thêm:

12 quy định của Luật Giao thông đường bộ mới nhất 2018 ai cũng cần biết

Cách nhận biết hiệu lệnh của cảnh sát giao thông

LuatVietnam