Luật Doanh nghiệp 2020 có gì mới ảnh hưởng đến doanh nghiệp nước ngoài? Update 01/2025

Nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư tại Việt Nam dưới hình thức thành lập tổ chức kinh tế, trong đó có việc thành lập doanh nghiệp. Hiện nay, Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 đang có nhiều ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Luật Doanh nghiệp 2020 có rất nhiều quy định mới, bổ sung, thay thế quy định cũ, tuy không có điều khoản nào điều chỉnh trực tiếp đến doanh nghiệp nước ngoài nhưng có rất nhiều điểm mới tác động đến việc hoạt động và quản lý của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

1. Doanh nghiệp không phải thông báo mẫu dấu khi thành lập doanh nghiệp

Theo Điều 44 Luật Doanh nghiệp năm 2014, trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Tuy nhiên, quy định này đã chính thức được bãi bỏ tại Luật Doanh nghiệp 2020. Theo đó, Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020 chỉ còn giữ lại các quy định như sau:

– Dấu bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử (quy định mới được bổ sung trong Luật 2020);

– Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp (bổ sung thêm);

– Việc quản lý và lưu giữ dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp có dấu ban hành (bổ sung thêm);

Doanh nghiệp nước ngoài sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không cần phải gửi thông báo mẫu dấu cho Phòng Đăng ký kinh doanh và tự quyết định hình thức và số lượng con dấu.

2. Công ty TNHH được phát hành trái phiếu

Tuy nhiên, khoản 4 Điều 46 khoản 1 Điều 74 Luật Doanh nghiệp 2020 đã có quy định về việc công ty TNHH 2 thành viên trở lên, công ty TNHH 1 thành viên được phát hành trái phiếu. So với quy định cũ, Luật Doanh nghiệp 2020 đã cho phép công ty TNHH được huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu.

Như vậy, công ty nước ngoài hoạt động dưới hình thức công ty TNHH sẽ có thể huy động vốn dưới những hình thức như sau:

– Tăng vốn góp của các thành viên;

– Tiếp nhận thêm thành viên mới;

– Chuyển thành công ty cổ phần;

– Phát hành trái phiếu.

luat doanh nghiep 2020 co gi moi anh huong den doanh nghiẹp nuoc ngoaiẢnh hưởng của Luật Doanh nghiệp 2020 đến doanh nghiệp nước ngoài (Ảnh minh hoạ)
 

3. Thay đổi điều kiện để tiến hành họp ĐHĐCĐ

Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện trên 50% tổng số phiếu biểu quyết (Điều 145 Luật Doanh nghiệp 2020) thay vì trước đây là 51%.

Quy định này rất có lợi đối với những công ty nước ngoài có quy mô lớn, đặc biệt những công ty mang tính chất tập đoàn hoặc công ty mẹ. Bởi lẽ, chênh lệch giữa quy định mới và quy định cũ chỉ là 1% tổng số phiếu biểu quyết nhưng đối với những công ty nước ngoài có nhiều cổ đông, đây là tỷ lệ sở hữu số phiếu biểu quyết tương đối lớn.

4. Người quản lý có trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại của công ty

Khoản 2 Điều 165 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: Thành viên HĐQT, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác vi phạm quy định về trách nhiệm của người quản lý công ty quy định tại khoản 1 Điều 165 Luật Doanh nghiệp 2020 chịu trách nhiệm cá nhân hoặc liên đới đền bù lợi ích bị mất, trả lại lợi ích đã nhận và bồi thường toàn bộ thiệt hại cho công ty và bên thứ ba.

Bên cạnh đó, Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020 cũng quy định:

“Trường hợp việc phân chia quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật chưa được quy định rõ trong Điều lệ công ty thì mỗi người đại diện theo pháp luật của công ty đều là đại diện đủ thẩm quyền của doanh nghiệp trước bên thứ ba; tất cả người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.”

Như vậy, tất cả người quản lý doanh nghiệp và cả người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đều phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp.

Đây là quy định rất mới của Luật Doanh nghiệp 2020, có tác động trực tiếp đến những chức danh quản lý trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp nước ngoài nói chung và những người nước ngoài đang giữ chức danh quản lý hay người đại diện pháp luật của công ty cần phải cập nhật quy định này.

5. Tạm ngừng kinh doanh chỉ cần báo trước 3 ngày làm việc

Theo Điều 200 Luật Doanh nghiệp 2014, thời gian thông báo tạm ngừng kinh doanh chậm nhất là 15 ngày trước ngày tạm ngừng kinh doanh

Tuy nhiên, khoản 1 Điều 206 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: Doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.

Trường hợp doanh nghiệp nước ngoài muốn tạm ngừng kinh doanh tại Việt Nam chỉ cần thông báo trước 03 ngày làm việc.

Như vậy, trên đây là một số quy định mới nổi bật của Luật Doanh nghiệp 2020 ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp nước ngoài. Nếu có thắc mắc liên quan đến vấn đề này, độc giả vui lòng liên hệ đến tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.

>> 26 điểm mới của Luât Doanh nghiệp 2020 so với Luật Doanh nghiệp 2014