Khi nhận thấy cuộc hôn nhân không còn hạnh phúc, trước khi đi đến quyết định ly hôn, các cặp đôi thường chọn ly thân. Vậy khi đó, có được yêu cầu cấp dưỡng nuôi con không?
Ly thân – quan hệ hôn nhân sẽ chấm dứt?
Điều 19 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định:
Vợ, chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác
Do đó, vợ chồng khi đã kết hôn, được pháp luật thừa nhận, bảo vệ thì có nghĩa vụ sống chung với nhau trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc có lý do chính đáng.
Đồng thời, hiện nay, không có một văn bản pháp luật nào quy định về việc ly thân. Đây hiện chỉ là cụm từ thường được các cặp đôi dùng để miêu tả quan hệ vợ chồng đã rạn nứt, không còn sống chung với nhau nữa.
Ngoài ra, căn cứ khoản 14 Điều 3 Luật HN&GĐ, quan hệ hôn nhân chỉ chấm dứt khi vợ chồng ly hôn theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
Bởi vậy, ly thân chỉ là việc hai vợ chồng tạm thời không sống chung với nhau nhưng quan hệ hôn nhân và gia đình vẫn chưa chấm dứt. Do đó, hai người vẫn là vợ chồng trên pháp luật.
Như vậy, có thể khẳng định, ly thân không làm quan hệ vợ chồng chấm dứt. Hai người chỉ thực sự không còn là vợ chồng nếu thực hiện thủ tục ly hôn và quyết định, bản án ly hôn đã có hiệu lực.
Có được yêu cầu cấp dưỡng khi ly thân không? (Ảnh minh họa)
Ly thân có được yêu cầu cấp dưỡng nuôi con không?
Nghĩa vụ cấp dưỡng là nghĩa vụ được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột với cháu ruột; giữa vợ và chồng.
Riêng nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cha, mẹ và con được nêu tại Điều 110 Luật HN&GĐ:
Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con
Như vậy, việc yêu cầu cấp dưỡng chỉ xảy ra giữa cha, mẹ và con trong trường hợp:
– Cha mẹ không sống chung với con;
– Sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.
Đồng thời, cha mẹ chỉ phải cấp dưỡng cho con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi sống bản thân.
Do đó, khi không sống chung với con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì cha, mẹ phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Mặt khác, điều 82 Luật HN&GĐ nêu rõ, sau khi ly hôn:
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con
Như vậy, có thể thấy, chỉ cần cha, mẹ không sống chung với con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình thì đều phải cấp dưỡng nên dù ly hôn hay ly thân thì chỉ cần không sống cùng con đều phải thực hiện cấp dưỡng trong các trường hợp trên.
Khi đó, việc cấp dưỡng có thể thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần với mức cấp dưỡng do hai bên thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế. Nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Trên đây là quy định về yêu cầu cấp dưỡng cho con khi ly thân. Nếu độc giả còn thắc mắc, có thể liên hệ 1900 6192 để được giải đáp, hỗ trợ nhanh nhất.