Mã số thuế là gì? Đối tượng nào phải đăng ký thuế? Update 01/2025

Doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác, cũng như cá nhân người lao động đều có mã số thuế. Mã số thuế được sử dụng trong các giao dịch hoặc các thủ tục khác với cơ quan thuế. Vậy, mã số thuế là gì? Ai phải đăng ký thuế?

Mã số thuế là gì?

Mặc dù Thông tư 105/2020/TT-BTC không nêu định nghĩa mã số thuế như Thông tư 95/2016/TT-BTC nhưng căn cứ vào thực tế mã số thuế mà người nộp thuế được cấp thì mã số thuế được hiểu như sau:

Mã số thuế (tax identification numbers) là một dãy số, chữ cái hoặc ký tự do cơ quan thuế cấp cho người nộp thuế theo quy định.

Căn cứ khoản 1 Điều 5 Thông tư 105/2020/TT-BTC, mã số thuế có cấu trúc như sau:

N1N2N3N4N5N6N7N8N9N10 – N11N12N13

Trong đó:

– Hai chữ số đầu N1N2 là số phần khoảng của mã số thuế.

– Bảy chữ số N3N4N5N6N7N8N9 được quy định theo một cấu trúc xác định, tăng dần trong khoảng từ 0000001 đến 9999999.

– Chữ số N10 là chữ số kiểm tra.

– Ba chữ số N11N12N13 là các số thứ tự từ 001 đến 999.

– Dấu gạch ngang (-) là ký tự để phân tách nhóm 10 chữ số đầu và nhóm 03 chữ số cuối.

Mã số thuế là gì? Ai phải đăng ký thuế? (Ảnh minh họa)
 

Đối tượng đăng ký thuế

Khoản 1 Điều 4 Thông tư 105/2020/TT-BTC quy định đối tượng đăng ký thuế như sau:

– Người nộp thuế thuộc đối tượng thực hiện đăng ký thuế thông qua cơ chế một cửa liên thông, gồm: Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký thuế theo cơ chế một cửa liên thông cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Người nộp thuế thuộc đối tượng thực hiện đăng ký thuế thông qua cơ chế một cửa liên thông phải thực hiện đăng ký thuế và được cơ quan thuế cấp mã số thuế trước khi bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc có phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

– Người nộp thuế thuộc đối tượng thực hiện đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế, gồm:

TT

Tên người nộp thuế

1

Doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực bảo hiểm, kế toán, kiểm toán, luật sư, công chứng hoặc các lĩnh vực chuyên ngành khác không phải đăng ký doanh nghiệp qua cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật chuyên ngành

2

Đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế của lực lượng vũ trang, tổ chức kinh tế của các tổ chức chính trị, chính trị-xã hội, xã hội, xã hội-nghề nghiệp hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật nhưng không phải đăng ký doanh nghiệp qua cơ quan đăng ký kinh doanh; tổ chức của các nước có chung đường biên giới đất liền với Việt Nam thực hiện hoạt động mua, bán, trao đổi hàng hóa tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu; văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài tại Việt Nam; tổ hợp tác được thành lập và tổ chức hoạt động theo quy định của Bộ luật Dân sự

3

Tổ chức được thành lập bởi cơ quan có thẩm quyền không có hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước

4

Tổ chức, cá nhân nước ngoài và tổ chức ở Việt Nam sử dụng tiền viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại của nước ngoài mua hàng hoá, dịch vụ có thuế giá trị gia tăng ở Việt Nam để viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo; các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam thuộc đối tượng được hoàn thuế giá trị gia tăng đối với đối tượng hưởng ưu đãi miễn trừ ngoại giao; chủ dự án ODA thuộc diện được hoàn thuế giá trị gia tăng, văn phòng đại diện nhà tài trợ dự án ODA, tổ chức do phía nhà tài trợ nước ngoài chỉ định quản lý chương trình, dự án ODA không hoàn lại

5

Tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài hành nghề độc lập kinh doanh tại Việt Nam phù hợp với pháp luật Việt Nam có thu nhập phát sinh tại Việt Nam hoặc có phát sinh nghĩa vụ thuế tại Việt Nam (gọi chung là Nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài)

6

Nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam (gọi chung là Nhà cung cấp ở nước ngoài)

7

Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế, tổ chức khác và cá nhân có trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế thay cho người nộp thuế khác phải kê khai và xác định nghĩa vụ thuế riêng so với nghĩa vụ của người nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế (trừ cơ quan chi trả thu nhập khi khấu trừ, nộp thay thuế thu nhập cá nhân); ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hoặc tổ chức, cá nhân được nhà cung cấp ở nước ngoài ủy quyền có trách nhiệm kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài (sau đây gọi là Tổ chức, cá nhân khấu trừ nộp thay).

Tổ chức chi trả thu nhập khi khấu trừ, nộp thay thuế TNCN sử dụng mã số thuế đã cấp để khai, nộp thuế thu nhập cá nhân khấu trừ, nộp thay.

8

Người điều hành, công ty điều hành chung, doanh nghiệp liên doanh, tổ chức được Chính phủ Việt Nam giao nhiệm vụ tiếp nhận phần được chia của Việt Nam thuộc các mỏ dầu khí tại vùng chồng lấn, nhà thầu, nhà đầu tư tham gia hợp đồng dầu khí, công ty mẹ – Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đại diện nước chủ nhà nhận phần lãi được chia từ các hợp đồng dầu khí

9

Hộ gia đình, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả cá nhân của các nước có chung đường biên giới đất liền với việt Nam thực hiện hoạt động mua, bán, trao đổi hàng hóa tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu (gọi chung là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh)

10

Cá nhân có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân (trừ cá nhân kinh doanh)

11

Cá nhân là người phụ thuộc theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân

12

Tổ chức, cá nhân được cơ quan thuế ủy nhiệm thu

13

Tổ chức, hộ gia đình và cá nhân khác có nghĩa vụ với ngân sách nhà nước

Trên đây là quy định trả lời cho câu hỏi mã số thuế là gì và những đối tượng phải đăng ký thuế. Nếu bạn đọc có vướng mắc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.

>> Cách tra cứu mã số thuế cá nhân nhanh nhất

>> Cách tính thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công