Đơn xin thực tập là văn bản không thể thiếu nếu sinh viên muốn lấy kinh nghiệm làm việc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. LuatVietnam giới thiệu Mẫu Đơn xin thực tập hay nhất hiện nay.
https://cms.luatvietnam.vn/uploaded/Others/2019/05/22/Mau-Don-xin-thuc-tap_2205132756.docThực tập là gì?
Yêu cầu sinh viên đi thực tập là điều kiện cơ bản để tốt nghiệp của không ít trường đại học, cao đẳng hiện nay.
Thực tập là quá trình làm việc tại các doanh nghiệp với tính chất học hỏi, áp dụng những lý thuyết từ trường học vào thực tế để xử lý các công việc, qua đó giúp sinh viên có được kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết phục vụ cho quá trình làm việc sau khi ra trường.
Đây là khoảng thời gian để sinh viên hình dung về môi trường làm việc và khả năng làm việc của bản thân, bằng cách quan sát, học hỏi cách xử lý công việc, cách làm việc nhóm, kỹ năng báo cáo và thực hiện công việc theo kế hoạch; chủ động ghi chép các thông tin mới, hữu ích,…
Đồng thời, trong thời gian này, sinh viên cũng có thể xây dựng các mối quan hệ công sở, biết cách đối nhân xử thế trong môi trường công việc như biết cách nhờ giúp đỡ, biết cách cảm ơn và xin lỗi,…
Đối với những trường bắt buộc phải thực tập, thời gian thực tập thường kéo dài từ 01 – 02 tháng. Sau khi thực tập, sinh viên phải làm báo cáo và có nhận xét của doanh nghiệp để hoàn tất khóa luận tốt nghiệp.
Đối với những trường không bắt buộc thực tập, sinh viên có thể thực tập tại các doanh nghiệp với thời gian không hạn chế, chỉ phụ thuộc vào sự đồng ý của đơn vị. Và đương nhiên, sinh viên không phải làm báo cáo cho quá trình này.
Dù bắt buộc hay tự nguyện thì thời gian thực tập cũng khá hữu ích với mỗi người sinh viên khi có được kinh nghiệm làm việc thực tế. Nếu yêu thích môi trường này và cảm thấy phù hợp với một trí mà bản thân yêu thích thì sinh viên có thể dễ dàng chuẩn bị đơn ứng tuyển vào đây.
Ý nghĩa của đơn xin thực tập
Muốn được thực tập tại một doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị nào đó thì đơn xin thực tập chính là chìa khóa mở cánh cửa này, để doanh nghiệp biết được mình là ai và có nhu cầu gì khi thực tập tại đây.
Khi nhà trường không sắp xếp đơn vị thực tập mà sinh viên phải tự tìm kiếm, với số lượng lớn sinh viên đào tạo cùng chuyên ngành, có cùng nhu cầu vào một đơn vị thực tập thì việc lựa chọn, sàng lọc các ứng viên là điều tất yếu.
Do vậy, đơn xin thực tập phải hay, phải ấn tượng mới có khả năng gây được sự chú ý của đơn vị và qua đó, đơn vị có thể đánh giá một cách cơ bản nhất về sinh viên để có sự lựa chọn chính xác.
Mẫu Đơn xin thực tập hay nhất
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập_Tự do_Hạnh phúc
——***——
ĐƠN XIN THỰC TẬP
Kính gửi (1):………………………………………………………………………………
Tôi tên (2):……………………………………………………………………………………….
Sinh viên trường:…………………………………………Khoa:…………………………
Chuyên ngành:………………………………….. Hệ đào tạo:………………………….
Địa chỉ liên hệ:………………………………………………………………………………..
Số điện thoại liên lạc:………………………………………………………………………
Nay tôi làm đơn này để xin thực tập và nghiên cứu luận văn tốt nghiệp tại đơn vị.
Nội dung xin thực tập (3):……………………………………………………….
Đề tài xin thực tập (4):………………………………………………………………………
Thời gian thực tập (5): ………………………………………………………….
(từ ngày…../……/……. đến ngày ……/……/……)
Đơn vị (chi nhánh/phòng nghiệp vụ) xin thực tập (6):…………………………….
Nếu được đơn vị tiếp nhận bố trí thực tập, tôi xin cam kết thực hiện các nội dung sau (7):
– Chấp hành và thực hiện nghiêm chương trình đào tạo, chủ trương thực tập do đơn vị quy định;
– Luôn tuân thủ nội quy, quy chế hoạt động, quy định đối với sinh viên thực tập, bảo mật thông tin, an toàn tài sản của đơn vị;
– Bồi thường các tổn thất, hư hao tài sản do bản thân tự gây ra với đơn vị (nếu có).
Tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước đơn vị những nội dung đã cam kết.
Kính mong Ban lãnh đạo xem xét và tạo điều kiện cho tôi được thực tập tại đơn vị.
Tôi xin chân thành cám ơn!
…………….., ngày … tháng … năm …
Xác nhận của khoa quản lý sinh viên |
Người làm đơn (Ký, ghi rõ họ tên) |
Hướng dẫn viết đơn xin thực tập
(1) Điền tên cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xin thực tập.
(2) Điền đầy đủ và chính xác các thông tin cá nhân: họ tên; trường, khoa, chuyên ngành, hệ đào tạo đang theo học; địa chỉ liên hệ, số điện thoại liên lạc.
(3) Nội dung xin thực tập: Ngành nghề, công việc mong muốn được thực tập.
(4) Đề tài xin thực tập: Ghi đầy đủ, chính xác tên đề tài muốn thực hiện ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực tập. Nên lựa chọn đề tài phù hợp, liên quan đến ngành học và có sự liên kết với đơn vị sắp thực tập.
Với sinh viên tự nguyện đi thực tập thì k cần ghi mục này.
(5) Thời gian thực tập: Ghi rõ số tuần/tháng sẽ thực tập, cụ thể ngày/tháng/năm bắt đầu đến ngày/tháng/năm kết thúc.
Ví dụ: Thực tập 02 tháng, từ ngày 01/5/2019 đến ngày 30/6/2019.
(6) Đơn vị xin thực tập: Ghi rõ tên chi nhánh, phòng/ban.
Ví dụ: Phòng Chăm sóc khách hàng, chính nhánh Hà Nội, Công ty ABC.
(7) Nội dung cam kết: Sinh viên có thể bổ sung các nội dung khác phù hợp với hoàn cảnh và ý định của bản thân.
Trên đây là Mẫu Đơn xin thực tập hay nhất phù hợp với mọi sinh viên cùng các thông tin liên quan.
https://cms.luatvietnam.vn/uploaded/Others/2019/05/22/Mau-Don-xin-thuc-tap_2205132756.doc
Để tham khảo và sử dụng các biểu mẫu khác của LuatVietnam, độc giả quan tâm có thể truy cập tại đây.
Thùy Linh