Mua bán xe bằng giấy viết tay có hợp pháp không? Update 11/2024

Hiện nay, để mua bán xe một cách nhanh chóng, nhiều người chỉ viết giấy tay với nhau mà không đến cơ quan có thẩm quyền để lập hợp đồng. Vậy việc mua bán xe bằng giấy viết tay có đúng quy định pháp luật không?

Giấy tờ mua bán xe có bắt buộc phải công chứng?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư 58/2020/TT-BCA, khi đi đăng ký xe, giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe gồm một trong các giấy tờ sau:

2. Giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe, gồm một trong các giấy tờ sau đây:

a) Hoá đơn, chứng từ tài chính (biên lai, phiếu thu) hoặc giấy tờ mua bán, cho, tặng xe (quyết định, hợp đồng, văn bản thừa kế) theo quy định của pháp luật;

b) Giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân có xác nhận công chứng hoặc chứng thực hoặc xác nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị đang công tác đối với lực lượng vũ trang và người nước ngoài làm việc trong cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế mà đăng ký xe theo địa chỉ của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

Theo đó, thông thường các loại giấy tờ như hóa đơn, biên lai, phiếu thu… là những loại giấy tờ có trong giao dịch mua bán xe của cá nhân và tổ chức.

Riêng hai cá nhân mua bán xe với nhau thì theo quy định trên cần phải có giấy tờ mua bán có xác nhận công chứng của Văn phòng/Phòng công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã…

Như vậy, từ các phân tích trên thì khi các cá nhân mua bán xe với nhau, hợp đồng lập ra phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, ngoài việc hợp đồng mua bán phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định nêu trên, khi lập hợp đồng, hai bên cũng phải lưu ý đến các thông tin nêu tại Điều 117 Bộ luật Dân sự sau đây để hợp đồng có hiệu lực:

– Người thực hiện hợp đồng có năng lực hành vi dân sự, năng lực pháp luật dân sự phù hợp

– Các bên ký kết hợp đồng thật sự tự nguyện.

– Mục đích cũng như nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm và không trái đạo đức xã hội.


Mua bán xe bằng giấy viết tay có hợp pháp không? (Ảnh minh họa)

 

Không công chứng, làm sao để sang tên xe?

Căn cứ quy định nêu trên, giấy tờ mua bán xe viết tay muốn hợp pháp thì phải được công chứng hoặc chứng thực. Nếu hợp đồng không công chứng, chứng thực mà muốn sang tên thì có thể thực hiện theo các cách sau đây:

1/ Công chứng hoặc chứng thực hợp đồng mua bán xe

Theo phân tích ở trên, khi cá nhân với cá nhân thực hiện mua bán xe thì phải đến Văn phòng công chứng hoặc Phòng công chứng để công chứng hợp đồng hoặc đến Ủy ban nhân dân cấp xã để chứng thực hợp đồng mua bán xe.

Trong phạm vi bài viết này sẽ đề cập đến thủ tục công chứng hợp đồng mua bán xe theo Điều 40, 41 Luật Công chứng như sau:

Hồ sơ cần chuẩn bị

– Phiếu yêu cầu công chứng.

– Dự thảo hợp đồng (nếu có).

– Giấy tờ tùy thân của bên mua và bên bán: Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu, sổ hộ khẩu, đăng ký kết hôn (nếu có)…

– Giấy tờ về xe: Đăng ký xe; đăng kiểm xe (với ô tô)…

Thời gian thực hiện

Khoản 2 Điều 43 Luật Công chứng nêu rõ:

Thời hạn công chứng không quá 02 ngày làm việc; đối với hợp đồng, giao dịch có nội dung phức tạp thì thời hạn công chứng có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc.

Như vậy, nếu hai bên làm thủ tục công chứng hợp đồng mua bán xe ở tổ chức hành nghề công chứng thì thời gian giải quyết chậm nhất là 10 ngày làm việc. Còn lại các trường hợp thông thường khác sẽ trong khoảng 02 ngày làm việc.

Đến Văn phòng/Phòng công chứng nào để thực hiện?

Về phạm vi công chứng hợp đồng mua bán xe, Điều 42 Luật Công chứng quy định chỉ yêu cầu phải công chứng trong phạm vi tỉnh, thành nơi Phòng/Văn phòng công chứng đặt trụ sở với các hợp đồng về bất động sản trừ di chúc, từ chối nhận di sản là bất động sản và ủy quyền liên quan đến bất động sản.

Do đó, bởi vì xe là động sản nên hai bên mua bán có thể đến bất kỳ tổ chức hành nghề công chứng nào trên cả nước để thực hiện thủ tục này.

Phí và thù lao công chứng

Vì đây là hợp đồng mua bán có liên quan đến tài sản là chiếc xe nên thuộc trường hợp tính phí công chứng dựa trên giá trị chiếc xe hoặc giá mua bán ghi trong hợp đồng.

Để xem cụ thể phí và thù lao công chứng, độc giả truy cập link này.

2/ Yêu cầu Tòa án công nhận hiệu lực của hợp đồng

Nếu hai bên không thể liên hệ được với nhau và không thể thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng mua bán xe thì nếu đáp ứng điều kiện nêu tại khoản 2 Điều 129 Bộ luật Dân sự:

Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực

Căn cứ quy định này, hai bên có thể không cần phải công chứng, chứng thực hợp đồng mua bán mà một bên hoặc các bên có thể yêu cầu Tòa án công nhận hiệu lực của hợp đồng này nếu đã bên mua đã trả cho bên bán ít nhất 2/3 số tiền mua bán trong hợp đồng (nghĩa vụ trong giao dịch).

Khi đó, hợp đồng viết tay không có công chứng, chứng thực vẫn sẽ có hiệu lực và bên mua hoàn toàn có thể sử dụng hợp đồng này để thực hiện sang tên xe.

Trên đây là quy định về vấn đề mua bán xe bằng giấy viết tay có được pháp luật công nhận không? Nếu còn thắc mắc các vấn đề khác liên quan đến sang tên xe hoặc mua bán xe, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ.

>> Thủ tục sang tên xe máy mới nhất từ A đến Z