Vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã công bố danh sách 92 dự án bất động sản đang thế chấp ngân hàng, trong đó hàng loạt ông lớn của thị trường bất động sản phía Bắc được “chỉ mặt đặt tên”. Thông tin này đang khiến không ít những người mua chung cư “đứng ngồi không yên”.
Thế chấp dự án bất động sản là… điều bình thường!
Hiện nay, Luật Nhà ở 2014 cho phép chủ đầu tư được thế chấp dự án xây dựng nhà ở và dự án nhà ở hình thành trong tương lai cho ngân hàng để vay vốn. Cụ thể, khoản 1 Điều 147 quy định: “Chủ đầu tư dự án nhà ở được thế chấp dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó”.
Trên thực tế, việc thế chấp dự án xây dựng nhà ở cho ngân hàng để vay vốn là hoạt động hết sức bình thường của hầu hết các chủ đầu tư bất động sản. Bởi lẽ, không phải chủ đầu tư nào cũng có sẵn nguồn tài chính dồi dào ngay từ ban đầu để phục vụ cho việc đầu tư dự án mà hầu như đều cần phải vay vốn ngân hàng bằng cách thế chấp chính dự án đó.
Tuy nhiên, cũng theo khoản 1 Điều 147 Luật Nhà ở, trường hợp chủ đầu tư bán nhà ở đó thì phải giải chấp nhà ở này trước khi ký hợp đồng mua bán với khách hàng, trừ trường hợp khách hàng và ngân hàng đồng ý.
Trong đó, giải chấp được hiểu là giải trừ thế chấp đối với tài sản đang ở ngân hàng. Việc xác định nhà ở đã được giải chấp trước khi ký hợp đồng mua bán phải được nêu rõ trong văn bản thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà ở.
Mặt khác, Điều 19 của Nghị định 99/2015/NĐ-CP cũng quy định, người mua nhà và ngân hàng vẫn có thể thống nhất về việc không cần giải chấp và khi đó, dự án nhà ở này vẫn được phép mua bán.
Pháp luật cho phép thế chấp dự án bất động sản tại ngân hàng (Ảnh minh họa)
Lo ngại khi mua nhà ở tại dự án đang thế chấp ngân hàng
Như phân tích ở trên, việc các chủ đầu tư thế chấp dự án bất động sản cho ngân hàng để vay vốn là điều bình thường và được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, nếu như mua nhà tại các dự án này, người mua có thể vẫn sẽ phải đối mặt với một số rủi ro nhất định.
Điển hình nhất là tình trạng các chủ đầu tư sử dụng vốn vay không đúng mục đích dẫn đến không hoàn thành dự án, không thể bàn giao được nhà, gây nên nợ xấu tại ngân hàng, người mua lao đao vì chuyển đến sinh sống nhưng vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận sở hữu nhà ở (Sổ hồng). Tình trạng này thực tế đã diễn ra tại một số dự án tại TP. Hồ Chí Minh như dự án Chung cư Sông Đà (quận 3), Chung cư Minh Thành (quận 7) hay khu căn hộ thương mại The Manor 2…
Do đó, để không vướng vào rủi ro như trên, khi mua nhà tại dự án đang thế chấp ngân hàng, người mua cần yêu cầu chủ đầu tư cung cấp văn bản đã giải chấp với căn hộ mình dự định mua. Nếu mua nhà chưa được giải chấp, người mua cần yêu cầu chủ đầu tư cung cấp văn bản của ngân hàng đồng ý cho chủ đầu tư huy động vốn.
Tóm lại, người mua căn hộ khi yêu cầu và được chủ đầu tư cung cấp đầy đủ giấy tờ nêu trên thì việc mua nhà tại các dự án đang thế chấp ngân hàng sẽ không còn đáng lo ngại.
Xem thêm:
Lưu ý gì để không mua nhầm chung cư sở hữu 50 năm?
Toàn bộ nội dung quan trọng của Luật Nhà ở 2014
LuatVietnam