Mua vé bóng đá rồi bán lại giá cao có bị xử lý? Update 01/2025

Vé trận bán kết lượt về giữa đội tuyển Việt Nam và Philippines diễn ra trên sân Mỹ Đình lúc 19h30 ngày 06/12 được mở bán với 4 mệnh giá từ 200.000 – 500.000 đồng. Tuy nhiên, mức giá này đã được các “phe vé” sẵn sàng mua lại gấp nhiều lần và bán ra lấy chênh lệch. Hành vi mua vé bóng đá rồi bán lại với giá cao có vi phạm pháp luật?

“Phe vé” đã tồn tại từ lâu

Cụm từ “phe vé” không còn xa lạ với người hâm mộ bóng đá, tuy nhiên lại chưa được định nghĩa trong luật. Có thể hiểu đây là hành vi mua một lượng vé và bán lại cho người khác với giá cao nhằm thu lợi cá nhân.

Không khó để bắt gặp hình ảnh “phe vé” chèo kéo khách trên sân vận động Mỹ Đình, Hàng Đẫy… trước mỗi trận đấu diễn ra. Tình trạng này gây không ít bức xúc cho người hâm mộ khi giải đấu AFF Suzuki Cup 2018 đang bước vào giai đoạn quan trọng.

Sáng 01/12/2018, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tiếp tục trả vé cho những người đã mua vé qua hệ thống online trận Việt Nam – Philippines. Điều đáng nói, ngay sau khi những khán giả đầu tiên nhận được vé thì lập tức “phe vé” tiếp cận, mời chào mua lại. Có “phe vé” đã trả đến 7 triệu đồng/cặp vé có mệnh giá 500.000 đồng, mức giá sau đó được “phe vé” rao bán 10 triệu đồng/cặp. Đây được xem là mức giá cao kỷ lục từ trước đến nay.

Sau khi mua được vé, “phe vé” tập trung rất đông trước cổng sân vận động quốc gia Mỹ Đình, khi thấy người hâm mộ đi qua, họ sẵn sàng lao ra đường mời chào gây mất trật tự công cộng.

Mua vé bóng đá rồi bán lại với giá cao có bị xử lý? (Ảnh minh họa)

Chưa có chế tài cụ thể xử phạt “phe vé”

Pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về chế tài xử phạt đối với hành vi “phe vé”. Do đó, họ vẫn ngang nhiên mua đi, bán lại với giá “cắt cổ” nhằm thu lợi cho mình. Người hâm mộ khi mua lại những vé này ngoài việc phải trả một mức giá cao còn có thể gặp rủi ro vì vé giả, vé không hợp lệ…

Hiện nay, pháp luật chỉ xử phạt hành vi chèo kéo khách, cản trở giao thông khi mua vé và bán lại kiếm lời gây mất trật tự công cộng. Cụ thể, Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP đưa ra mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm các quy định về trật tự công cộng:

– Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 – 300.000 đồng đối với hành vi gây mất trật tự ở nơi tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao;

–  Phạt tiền từ 500.000 đồng – 01 triệu đồng đối với hành vi tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng;

– Phạt tiền từ 02 – 03 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Lôi kéo hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng; Tập trung đông người trái pháp luật tại nơi công cộng hoặc các địa điểm, khu vực cấm.

Việc mua vé có thể hiểu là mặc nhiên chấp thuận các điều kiện mà đơn vị phát hành vé đặt ra (được ghi trên vé hoặc các quy định do đơn vị phát hành vé ban hành trước đó) bao gồm các điều kiện mua, sử dụng vé nhằm đảm bảo việc phân phối vé hợp lý, đúng đối tượng, đảm bảo an ninh, an toàn cho sự kiện và lợi ích cho bên phát hành cũng như người mua vé.

Trong trường hợp bên mua vi phạm quy định hợp pháp do bên bán đặt ra, thì bên bán có quyền áp dụng các biện pháp quy định trong điều kiện mua, sử dụng vé đối với bên mua, như: Nếu bên bán quy định người sử dụng phải là người đứng tên đăng ký mua vé thì khi không phải, bên bán có quyền không cho phép người đó vào sân…

Xem thêm:

Đốt pháo sáng trên sân bóng đá bị phạt thế nào?

Cổ vũ đội tuyển Việt Nam thế nào cho văn minh, hợp pháp

Có được đặt cược chung kết AFF Cup 2018 Việt Nam – Malaysia?

Luật “ăn mừng bàn thắng” mà ĐT Việt Nam cần cảnh giác

AFF Cup: ĐT Việt Nam vẫn có thể bị loại vì luật bàn thắng sân khách

LuatVietnam