Mức phạt khi bỏ hoang đất Update 11/2024

Một trong những điểm mới đáng chú ý nhất của Nghị định 91/2019/NĐ-CP là bỏ hoang đất sẽ bị phạt tiền. Dưới đây là mức phạt và biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng đối với hành vi không sử dụng đất áp dụng từ ngày 05/01/2020.

Lưu ý: Pháp luật đất đai không quy định từ “bỏ hoang đất“, tiêu đề bài viết nhằm giúp người dân dễ hiểu hơn. “Bỏ hoang đất” chỉ hành vi không sử dụng đất trồng cây hàng năm trong thời hạn 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm trong thời hạn 18 tháng liên tục, đất trồng rừng trong thời hạn 24 tháng liên tục.

* Cách gọi theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP.

– Hộ gia đình, cộng đồng dân cư, cá nhân trong nước, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài (sau đây gọi chung là cá nhân).

– Tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ sở tôn giáo (sau đây gọi chung là tổ chức).

Không sử dụng đất liên tục bị phạt tới 20 triệu đồng

Theo khoản 1 Điều 32 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, người sử dụng đất có hành vi không sử dụng đất trồng cây hàng năm trong thời hạn 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm trong thời hạn 18 tháng liên tục, đất trồng rừng trong thời hạn 24 tháng liên tục mà không thuộc trường hợp bất khả kháng thì hình thức và mức xử phạt như sau:

TT

Diện tích đất không sử dụng

Mức phạt

1

Dưới 0,5 héc ta.

Phạt tiền từ 500.000 đồng – 01 triệu đồng.

2

Từ 0,5 đến dưới 03 héc ta.

Phạt tiền từ 01 – 03 triệu đồng.

3

Từ 03 đến dưới 10 héc ta.

Phạt tiền từ 03 – 05 triệu đồng.

4

Từ 10 héc ta trở lên.

Phạt tiền từ 05 – 10 triệu đồng.

– Mức phạt trên đây áp dụng đối với cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính (mức phạt tối đa là 20 triệu đồng – theo điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định 91/2019/NĐ-CP).

Giải thích đất trồng cây hàng năm, lâu năm:

– Theo khoản 8 Điều 3 Nghị định 35/2015/NĐ-CP, cây hàng năm là loại cây được gieo trồng, cho thu hoạch và kết thúc chu kỳ sản xuất trong thời gian không quá 01 năm, kể cả cây hàng năm lưu gốc để thu hoạch không quá 05 năm.

Trong đất trồng cây hàng năm bao gồm các loại: Đất trồng lúa (gồm đất chuyên trồng lúa nước, đất trồng lúa nước còn lại và đất trồng lúa nương); đất trồng cây hàng năm khác (gồm đất bằng trồng cây hàng năm khác và đất nương rẫy trồng cây hàng năm khác) (điểm a khoản 1 Điều 8 Thông tư 27/2018/TT-BTNMT).

Cây lâu năm là loại cây được gieo trồng một lần, sinh trưởng và cho thu hoạch trong nhiều năm (theo khoản 9 Điều 3 Nghị định 35/2015/NĐ-CP).

Có thể thấy pháp luật không liệt kê cụ thể tên từng loài cây hàng năm, lâu năm vì mỗi địa phương có những loài cây riêng, nếu liệt kê sẽ không thể đầy đủ và chính xác cho 63 tỉnh, thành.

* Dù quá thời hạn trên mà không sử dụng đất nhưng thuộc một trong những trường hợp bất khả kháng sau thì không bị xử lý vi phạm hành chính, cụ thể:

Theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, các trường hợp bất khả kháng ảnh hưởng đến tiến độ sử dụng đất của dự án đầu tư đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, gồm:

– Do ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai, thảm họa môi trường;

– Do ảnh hưởng trực tiếp của hỏa hoạn, dịch bệnh;

– Do ảnh hưởng trực tiếp của chiến tranh;

– Các trường hợp bất khả kháng khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

bỏ hoang đất sẽ bị phạt tiền

Từ 05/01/2020, bỏ hoang đất sẽ bị phạt tiền (Ảnh minh họa)
 

Biện pháp khắc phục hậu quả

Khoản 2 Điều 32 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định biện pháp khắc phục hậu quả như sau:

“Buộc sử dụng đất theo mục đích được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất; trường hợp đã bị xử phạt mà không đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai”.

Kết luận: Không sử dụng đất trồng cây hàng năm trong thời hạn 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm trong thời hạn 18 tháng liên tục, đất trồng rừng trong thời hạn 24 tháng liên tục mà không thuộc trường hợp bất khả kháng thì:

1. Bị phạt tiền với mức phạt cao nhất là 10 triệu đồng (đối với cá nhân), 20 triệu đồng (đối với tổ chức).

2. Buộc sử dụng đất theo đúng mục đích.

3. Sẽ bị Nhà nước thu hồi nếu đã bị xử phạt mà không đưa đất vào sử dụng.

Người sử dụng đất cần lưu ý thời gian không sử dụng đất liên tục của mình, nhất là đối với hộ gia đình, cá nhân đi làm xa tại các khu công nghiệp, thành phố; trường hợp không thể canh tác nên cho thuê, cho thuê lại hoặc cho người khác “mượn” để tránh bỏ hoang đất.

>> Nghị định 91/2019: Tự ý chuyển sang đất ở phạt tới 1 tỷ đồng

Khắc Niệm