Khoảng lùi khi xây dựng công trình
Để bảo đảm xây dựng không vi phạm chỉ giới xây dựng thì chủ đầu tư cần biết quy định về khoảng lùi (nếu có).
Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng ban hành kèm theo Thông tư 22/2019/TT-BXD, khoảng lùi là khoảng không gian giữa chỉ giới đường đỏ và chỉ giới xây dựng.
Theo đó, để biết khoảng lùi khi xây dựng công trình là bao nhiêu thì chủ đầu tư cần biết được chỉ giới đường đỏ và chỉ giới xây dựng, cụ thể:
– Chỉ giới đường đỏ là đường ranh giới được xác định trên bản đồ quy hoạch và thực địa để phân định ranh giới giữa phần đất được xây dựng công trình và phần đất được dành cho đường giao thông hoặc công trình hạ tầng kỹ thuật, không gian công cộng khác.
– Chỉ giới xây dựng là đường ranh giới được xác định trên bản đồ quy hoạch và thực địa để phân định ranh giới giữa phần đất cho phép xây dựng công trình (phần nổi và phần ngầm) và phần đất lưu không.
Cũng theo Quy chuẩn này, khoảng lùi của công trình được quy định cụ thể như sau:
– Khoảng lùi của các công trình tiếp giáp với đường giao thông (đối với đường giao thông cấp khu vực trở lên) được quy định tại đồ án quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, nhưng phải thỏa mãn quy định về khoảng lùi tối thiểu.
– Đối với tổ hợp công trình bao gồm phần đế công trình và tháp cao phía trên thì các quy định về khoảng lùi công trình được áp dụng riêng đối với phần đế công trình và đối với phần tháp cao phía trên theo chiều cao tương ứng của mỗi phần.
Bề rộng đường tiếp giáp với lô đất xây dựng công trình (m) |
Chiều cao xây dựng công trình (m) |
|||
≤ 19 |
19 ÷< 22 |
22 ÷< 28 |
≥ 28 |
|
< 19 |
0 |
03 |
04 |
06 |
19 ÷< 22 |
0 |
0 |
3 |
06 |
≥ 22 |
0 |
0 |
0 |
06 |
Lưu ý về khoảng lùi công trình trên các tuyến đường: Trong trường hợp do đặc thù hiện trạng của khu vực quy hoạch không đáp ứng được yêu cầu về khoảng lùi theo quy định tại bảng trên thì khoảng lùi do đồ án quy hoạch hoặc thiết kế đô thị xác định nhưng phải đảm bảo có sự thống nhất trong tổ chức không gian trên tuyến phố hoặc một đoạn phố.
Phạt tới 60 triệu đồng nếu vi phạm quy hoạch, chỉ giới
* Mức phạt tiền
Khoản 7 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định như sau:
“7. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt;
b) Xây dựng công trình vi phạm chỉ giới xây dựng.”.
* Biện pháp khắc phục hậu quả
Căn cứ điểm d khoản 11 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP, ngoài việc bị phạt tiền thì xây dựng công trình vi phạm quy hoạch, vi phạm chỉ giới xây dựng sẽ buộc phải tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm. Hay nói cách khác, không được điều chỉnh giấy phép xây dựng để hợp thức hóa phần vi phạm.
Cách hợp thức hóa công trình trái phép, không phép
Căn cứ khoản 12 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP, đối với hành vi xây dựng không đúng với giấy phép xây dựng (sai phép, trái phép) và hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép mà đang thi công thì tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải đề nghị điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng, cụ thể:
– Trong thời hạn tối đa 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm có trách nhiệm thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng và xuất trình người có thẩm quyền xử phạt giấy phép xây dựng được cấp hoặc được điều chỉnh.
– Hết thời hạn theo quy định trên mà cá nhân, tổ chức vi phạm không xuất trình giấy phép xây dựng được cấp hoặc được điều chỉnh thì người có thẩm quyền xử phạt ra thông báo thực hiện biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm.
Thông báo được gửi cá nhân, tổ chức vi phạm, UBND cấp xã nơi có công trình vi phạm bằng hình thức gửi bảo đảm và niêm yết công khai tại công trình vi phạm. Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm không nhận thông báo hoặc gỡ bỏ thông báo được niêm yết tại công trình vi phạm thì UBND cấp xã nơi có công trình vi phạm có trách nhiệm niêm yết công khai thông báo tại trụ sở UBND cấp xã.
Trong thời hạn tối đa 15 ngày kể từ ngày gửi thông báo (tính theo dấu bưu điện), cá nhân, tổ chức vi phạm có trách nhiệm thực hiện biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.
– Trong thời hạn tối đa 05 ngày kể từ ngày cá nhân, tổ chức vi phạm xuất trình giấy phép xây dựng được cấp hoặc được điều chỉnh, người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm tổ chức kiểm tra hiện trạng công trình xây dựng, lập biên bản ghi nhận sự phù hợp của hiện trạng công trình với giấy phép xây dựng được cấp hoặc được điều chỉnh.
– Cá nhân, tổ chức vi phạm chỉ được tiếp tục thi công xây dựng nếu biên bản kiểm tra, ghi nhận hiện trạng công trình xác nhận hiện trạng công trình phù hợp với giấy phép xây dựng được cấp hoặc được điều chỉnh.
Trường hợp biên bản kiểm tra, ghi nhận hiện trạng công trình xác nhận hiện trạng công trình không phù hợp với giấy phép xây dựng được cấp hoặc được điều chỉnh thì trong thời hạn tối đa 15 ngày kể từ ngày lập biên bản kiểm tra, ghi nhận hiện trạng công trình, cá nhân, tổ chức vi phạm phải buộc tháo dỡ công trình, phần công trình không phù hợp với giấy phép được cấp hoặc được điều chỉnh.
Trên đây là mức phạt khi xây dựng vi phạm quy hoạch, vi phạm chỉ giới xây dựng. Khi xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt hoặc vi phạm chỉ giới xây dựng thì buộc phải tháo dỡ phần vi phạm.
Nếu bạn đọc có vướng mắc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.
>> Xem thêm các chính sách mới về đất đai tại đây
>> Toàn bộ mức phạt tiền khi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất