Đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội (BHXH) thì mức hưởng lương hưu tính thế nào là câu hỏi LuatVietnam thường xuyên nhận được từ độc giả. Đặc biệt, từ 01/01/2021, khi Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực, mức lương hưu hàng tháng sẽ có nhiều thay đổi.
1. Với người lao động tham gia BHXH bắt buộc
1.1 Người lao động làm việc trong điều kiện bình thường
Theo quy định tại Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được sửa đổi bởi điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019, người lao động đủ tuổi và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên thì được hưởng lương hưu (chi tiết tuổi nghỉ hưu).
Theo đó, tại Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, mức lương hưu hàng tháng của người lao động làm việc trong điều kiện bình thường như sau:
Từ ngày 01/01/2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:
a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;
b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.
Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Vậy, người lao động đủ điều kiện nghỉ hưu, có đủ 20 năm BHXH sẽ được tính mức hưởng lương hưu dưới đây:
Với lao động nữ
Theo quy định trên, 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng 15 năm, sau đó cứ thêm mỗi năm được tính thêm 2%. Do đó, mức lương hưu khi đóng đủ 20 năm BHXH tương ứng bằng 55% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Với lao động nam
– Trường hợp nghỉ hưu trong khoảng thời gian từ 01/01/2021- 31/12/2021: 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng 19 năm đóng BHXH nên đóng đủ 20 năm BHXH thì mức lương hưu bằng 47%.
– Trường hợp nghỉ hưu từ ngày 01/01/2022 trở đi: Đóng đủ 20 năm BHXH mức lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Ví dụ: Tính đến 07/2021, bà M đủ tuổi nghỉ theo quy định của pháp luật (55 tuổi 04 tháng), có đủ 20 năm đóng BHXH.
Mức lương hưu bà M được hưởng hàng tháng như sau:
15 năm đầu tiên đóng BHXH = 45%.
05 năm tiếp theo đóng BHXH tính thêm 2% = 5 x 2%= 10%.
Vậy lương hưu hàng tháng của bà M sẽ bằng 45%+10%= 55% mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH.
Đóng đủ 20 năm BHXH được hưởng lương hưu bao nhiêu/tháng? (Ảnh minh họa)
1.2 Người lao động trong trường hợp bị suy giảm khả năng lao động
Căn cứ khoản 3 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, mức lương hưu trong trường hợp suy giảm khả năng lao động như sau:
Mức lương hưu hàng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 55 của Luật này được tính như quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.
Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 06 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.
Như vậy, thông thường mức lương hưu hàng tháng của người lao động bị suy giảm khả năng lao động được tính như người làm việc trong điều kiện lao động bình thường như trên. Sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%. Cụ thể như sau:
Trường hợp bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81%
Với lao động nữ:
Mức hưởng lương hưu năm 2021 được tính như nghỉ hưu trong điều kiện bình thường: Đủ 20 năm đóng BHXH tương ứng bằng 55% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định giảm 2%.
Trong khi đó, theo điểm b Khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019, người bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81% thì có tuổi nghỉ hưu thấp hơn người lao động trong điều kiện bình thường tối đa 05 tuổi. Đồng nghĩa, các đối tượng này nghỉ hưu khi nam từ đủ 55 tuổi 03 tháng, nữ từ đủ 50 tuổi 04 tháng.
Vậy nên, căn cứ quy định trên, mức lương hưu của đối tượng này sẽ dao động từ 45% – 55% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Với lao động nam:
Theo phân tích ở trên, với lao động nam bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81% thì:
– Trường hợp nghỉ hưu trong khoảng thời gian từ 01/01/2021-31/12/2021: Mức lương hưu dao động từ 37% – 47% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
– Trường hợp nghỉ hưu từ ngày 01/01/2022 trở đi: Mức lương hưu dao động từ 35% – 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Trường hợp bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên
Theo điểm b Khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì tuổi nghỉ hưu của các đối tượng này là: nam đủ 50 tuổi 03 tháng và nữ đủ 45 tuổi 04 tháng (tuổi nghỉ hưu thấp hơn so với người lao động ở điều kiện bình thường là 10 tuổi).
Tương tự phân tích ở trên, mức lương hưu với các đối tượng này là:
Với lao động nữ: Mức lương hưu dao động từ 35% – 55% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Với lao động nam:
– Trường hợp nghỉ hưu trong khoảng thời gian từ 01/01/2021 – 31/12/2021: Mức lương hưu dao động từ 27% – 47% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
– Trường hợp nghỉ hưu từ ngày 01/01/2022 trở đi: Mức lương hưu dao động từ 25% – 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Trường hợp NLĐ nghỉ hưu do có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên
Vẫn tại điểm b Khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019, người lao động có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên sẽ nghỉ hưu khi nam từ đủ 55 tuổi 03 tháng, nữ từ đủ 50 tuổi 04 tháng.
Do đó, mức lương khi về hưu của các đối tượng này như sau:
Với lao động nữ: Mức lương hưu tối đa là 55% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Với lao động nam:
– Trường hợp nghỉ hưu trong khoảng thời gian từ 01/01/2021-31/12/2021: Mức lương hưu tối đa là 47% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
– Trường hợp nghỉ hưu từ ngày 01/01/2022 trở đi: Mức lương hưu tối đa là 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Ví dụ: Bà H bị suy giảm khả năng lao động 62%, nghỉ việc hưởng lương hưu vào tháng 08/2021, tính đến thời điểm nghỉ việc đủ 51 tuổi 06 tháng, bà có đủ 20 năm đóng BHXH.
Tỷ lệ hưởng lương hưu của bà H được xác định: 15 năm đóng BHXH= 45%, 05 năm đóng BHXH còn lại= 5×2%= 10%.
Nếu nghỉ hưu đúng tuổi bà H sẽ được hưởng = 45%+10%= 55% mức bình quân tiền lương/ thu nhập tháng đóng BHXH.
Tuy nhiên bà H bị suy giảm khả năng lao động nên đề nghị xin nghỉ hưu trước tuổi khi 51 tuổi 06 tháng (nghỉ trước tuổi thông thường 55 tuổi 04 tháng là 3 năm 10 tháng). Do đó, tỷ lệ hưởng bị trừ = (3×2%)+1%= 7%
Vậy bà H được nhận lương hưu mỗi tháng = 55% – 7%= 48% mức bình quân tiền lương/ thu nhập tháng đóng BHXH.
Lương hưu được nhận khi đóng đủ 20 năm BHXH (Ảnh minh họa)
2. Người tham gia BHXH tự nguyện
Căn cứ Điều 73 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được sửa đổi bởi điểm c khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019, người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu khi:
1. Người lao động hưởng lương hưu khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động;
b) Đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.
Như vậy, để được hưởng lương hưu khi tham gia BHXH tự nguyện trong năm 2021 là nam đủ 60 tuổi 03 tháng; nữ đủ 55 tuổi 04 tháng và đủ 20 năm đóng BHXH trở lên.
Căn cứ Điều 74 Luật Bảo hiểm xã hội, mức hưởng lương hưu của người tham gia BHXH như sau:
Từ ngày 01/01/2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 73 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 79 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:
a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;
b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.
Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên:
Đối với nữ
Nghỉ hưu từ 2021, 15 năm đóng BHXH tương ứng 45%. Do đó, 20 năm đóng BHXH sẽ được hưởng 55% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.
Đối với nam
– Nghỉ hưu trong khoảng thời gian từ 01/01/2021-31/12/2021: 19 năm đóng BHXH tương ứng 45% nên 20 năm đóng BHXH sẽ được hưởng 47% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.
– Nghỉ hưu từ ngày 01/01/2022 trở đi: Đủ 20 năm đóng BHXH tương ứng mức lương hưu bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.
Ví dụ: Tính đến tháng 09/2021, ông D đủ tuổi về hưu theo quy định (60 tuổi 03 tháng). Tính đến thời điểm nghỉ, ông có 20 năm đóng BHXH tự nguyện.
Khi đó, mức lương hưu của ông D được tính: 19 năm đóng BHXH = 45%
01 năm đóng BHXH còn lại = 1×2% = 2%
Vậy lương hưu hàng tháng của ông D sẽ bằng 45% + 2%= 47% mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH.
Trên đây là giải đáp câu hỏi đóng đủ 20 năm BHXH thì lương hưu được hưởng bao nhiêu/tháng? Nếu còn vấn đề thắc mắc, bạn đọc liên hệ 1900 6192 để được giải đáp nhanh nhất.