Thủ tục đăng ký kinh doanh qua mạng là hình thức đang được sử dụng phổ biến trên cả nước. Nghị định 01/2021/NĐ-CP được ban hành đã có một số điểm mới liên quan đến hình thức đăng ký này nhằm giảm bớt một số thủ tục không cần thiết.
Đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử là gì?
Theo khoản 1 Điều 42 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử được hiểu như sau:
“1. Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử là việc người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp thực hiện việc đăng ký doanh nghiệp thông qua cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn sử dụng chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử hoặc sử dụng Tài khoản đăng ký kinh doanh để đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.”
Như vậy, đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử là hình thức thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp bằng tài khoản đăng ký kinh doanh hoặc bằng chữ ký số.
Trong đó:
– Đăng ký doanh nghiệp bằng tài khoản đăng ký kinh doanh:
+ Tài khoản đăng ký kinh doanh được tạo bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cấp cho cá nhân để thực hiện đăng ký doanh nghiệp;
+ Một Tài khoản đăng ký kinh doanh chỉ được cấp cho một cá nhân. Cá nhân được cấp Tài khoản đăng ký kinh doanh để đăng ký doanh nghiệp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp pháp của các thông tin đăng ký.
– Đăng ký doanh nghiệp bằng chữ ký số: Là một dạng chữ ký bằng phương pháp điện tử dùng để thay thế chữ ký thông thường, mẫu dấu trong các văn bản của cơ quan, tổ chức.
Khi đăng ký doanh nghiệp theo hình thức này, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ là các văn bản điện tử (định dạng “.doc” hoặc “.docx” hoặc “.pdf”) qua Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp thay vì nộp bản giấy.
Đăng ký doanh nghiệp qua mạng có phải lên Phòng đăng ký kinh doanh?
Theo Điều 44, 45 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, trình tự thủ tục đăng ký qua mạng điện tử như sau:
Bước 1: Kê khai thông tin và tải văn bản điện tử, ký xác thực hồ sơ và nộp lệ phí theo quy định
Bước 2: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ
– Người nộp hồ sơ sẽ nhận được giấy biên nhận hồ sơ;
– Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện cấp đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh thực hiện cấp đăng ký doanh nghiệp và thông báo cho doanh nghiệp về việc cấp đăng ký doanh nghiệp.
– Trường hợp hồ sơ chưa đủ điều kiện cấp đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông báo qua mạng thông tin điện tử cho doanh nghiệp để yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
Bước 3: Nhận kết quả
So sánh với quy định cũ tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP và Nghị định 108/2018/NĐ-CP, việc đăng ký thành nghiệp qua mạng có điểm mới như sau:
Doanh nghiệp không phải nộp bản giấy Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp
Theo quy định cũ, sau khi Phòng Đăng ký kinh doanh ra thông báo chấp thuận thì doanh nghiệp phải một bộ hồ sơ bằng bản giấy lên để nhận được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Kể từ 04/01/2021, theo quy trình đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử như trên, doanh nghiệp không cần phải nộp hồ sơ bằng bản giấy nữa.
Tuy nhiên, khi nhận kết quả là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, người thực hiện thủ tục vẫn phải lên Phòng Đăng ký kinh doanh để nhận. Trường hợp được uỷ quyền thì người được uỷ quyền phải mang theo Giấy uỷ quyền và giấy tờ nhân thân của mình.
Như vậy, từ 2021, thủ tục đăng ký doanh nghiệp qua mạng sẽ lên Phòng Đăng ký kinh doanh duy nhất một lần để lấy kết quả. Nhưng doanh nghiệp khi nhận Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không cần nộp hồ sơ bản giấy.