Vốn điều lệ là một trong những nội dung bắt buộc kê khai khi đăng ký thành lập doanh nghiệp. Nên để vốn điều lệ bao nhiêu, cao hay thấp thì công ty được lợi hơn?
Vốn điều lệ là gì? Tối thiểu cần bao nhiêu?
Nên để vốn điều lệ bao nhiêu thì công ty được lợi hơn? (Ảnh minh họa)
Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần (khoản 29 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 68/2014/QH13).
Theo đó, hiểu đơn giản rằng, vốn điều lệ chính là mức vốn mà các thành viên cam kết góp tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Doanh nghiệp dự kiến kinh doanh những ngành nghề không yêu cầu vốn pháp định thì có thể đăng ký vốn điều lệ tùy theo loại hình, quy mô và định hướng kinh doanh của mình.
Còn đối với những doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề yêu cầu vốn pháp định, mức vốn điều lệ phải đảm bảo bằng hoặc lớn hơn mức vốn pháp định.
Nhìn chung, pháp luật không quy định vốn điều lệ tối thiểu cần có khi thành lập công ty.
Vốn điều lệ bao nhiêu thì công ty được lợi hơn?
Việc để vốn điều lệ bao nhiêu không ảnh hưởng quá nhiều tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Về cơ bản, mức vốn điều lệ chỉ tác động tới mức lệ phí môn bài mà công ty phải đóng, cụ thể:
Stt |
Vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư |
Lệ phí môn bài phải nộp |
1 |
Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư > 10 tỷ đồng |
03 triệu đồng/năm |
2 |
Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư ≤ 10 tỷ đồng |
02 triệu đồng/năm |
3 |
Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác |
01 triệu đồng/năm |
Có 2 thời điểm trong năm khi thành lập, lệ phí môn bài có sự chênh lệch với nhau:
– Thành lập trong 06 tháng đầu năm (01/01 – 30/6): Đóng 100% mức lệ phí môn bài theo quy định;
– Thành lập trong 06 tháng cuối năm (01/07 – 31/12): Phải đóng 50% mức lệ phí môn bài theo quy định.
Tuy nhiên cần lưu ý rằng, vốn điều lệ cũng chính là sự cam kết trách nhiệm bằng vật chất của các thành viên với đối tác, khách hàng. Do đó:
– Vốn điều lệ ở mức thấp hoặc quá thấp: Trách nhiệm vật chất của người góp vốn giảm xuống nhưng sẽ khó tạo niềm tin cho đối tác;
– Vốn điều lệ ở mức cao hoặc quá cao: Trách nhiệm vật chất tăng, tính chịu rủi ro của người góp vốn cũng tăng theo nhưng sẽ dễ dàng tạo sự tin tưởng với đối tác, khách hàng hơn đặc biệt trong các hoạt động đấu thầu…
Vì vậy, khi đăng ký vốn điều lệ, cần cân nhắc đến các yếu tố như khả năng tài chính, quy mô kinh doanh, định hướng phát triển…
>> Vốn điều lệ có phải là vốn pháp định không?
Hậu Nguyễn