Nghị định 08/2020: Nhiều điểm mới khi áp dụng Thừa phát lại trên cả nước Update 01/2025

Nghị định 08/2020/NĐ-CP ra đời thay thế Nghị định 61/2009/NĐ-CPNghị định 135/2013/NĐ-CP. Kể từ ngày 24/02/2020, Thừa phát lại được tổ chức và áp dụng thống nhất trên phạm vi cả nước với nhiều điểm mới.

 

1. Tiêu chuẩn bổ nhiệm Thừa phát lại có nhiều điểm mới

Theo Điều 6 Nghị định 08/2020/NĐ-CP, Thừa phát lại phải đáp ứng được những tiêu chuẩn sau:

– Là công dân Việt Nam không quá 65 tuổi, thường trú tại Việt Nam, chấp hành tốt Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt;

– Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật;

– Có thời gian công tác pháp luật từ 03 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật;

– Tốt nghiệp khóa đào tạo, được công nhận tương đương đào tạo hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề Thừa phát lại;

– Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Thừa phát lại.
 

2. 08 trường hợp không được bổ nhiệm Thừa phát lại

Theo Điều 11 Nghị định 08/2020/NĐ-CP, 08 trường hợp sau không được bổ nhiệm Thừa phát lại:

– Người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;

– Người đã được bổ nhiệm công chứng viên, được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, đấu giá, quản tài viên, được cấp thẻ thẩm định viên về giá mà chưa miễn nhiệm công chứng viên, thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư, đấu giá, quản tài viên, thẻ thẩm định viên về giá;

– Người đang là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;

– Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đã bị kết án về tội phạm do vô ý, tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý mà chưa được xóa án tích; người đã bị kết án về tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản, trục lợi, gian lận, gian dối, xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, kể cả trường hợp đã được xóa án tích;

– Người là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân bị bãi nhiệm, bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức, buộc thôi việc, tước danh hiệu hoặc đưa ra khỏi ngành;

– Người bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư do vi phạm pháp luật hoặc vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư; người bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư mà chưa hết thời hạn 03 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đó;

– Người bị tước quyền sử dụng thẻ công chứng viên, thẻ thẩm định viên về giá, chứng chỉ hành nghề đấu giá, chứng chỉ hành nghề quản tài viên mà chưa hết thời hạn 03 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đó;

– Người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.
 

3. Thừa phát lại không kiêm nhiệm công chứng viên, luật sư

Theo Điều 4 Nghị định 08 về Thừa phát lại, Thừa phát lại không được làm những công việc sau:

– Kiêm nhiệm hành nghề công chứng, luật sư, thẩm định giá, đấu giá tài sản, quản lý, thanh lý tài sản;

– Tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của mình, trừ trường hợp pháp luật quy định khác; sử dụng thông tin về hoạt động của Thừa phát lại để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức;

– Đòi hỏi thêm bất kỳ khoản lợi ích vật chất nào khác ngoài chi phí đã được ghi nhận trong hợp đồng;

– Trong khi thực thi nhiệm vụ, Thừa phát lại không được nhận làm những việc liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người thân thích của mình

– Các công việc bị cấm khác theo quy định của pháp luật.

Tiêu chuẩn bổ nhiệm Thừa phát lại có nhiều điểm mới (Ảnh minh họa)
Tiêu chuẩn bổ nhiệm Thừa phát lại có nhiều điểm mới (Ảnh minh họa)
 

4. Vi bằng không có giá trị thay thế bản công chứng, chứng thực

Theo Điều 36 Nghị định 08/2020/NĐ-CP, vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác.

Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

5. Phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho Thừa phát lại

Theo quy định tại Điều 18 Nghị định 08/2020/NĐ-CP, Văn phòng Thừa phát lại có trách nhiệm mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho Thừa phát lại của Văn phòng mình.
 

6. Mỗi quận không có quá 02 văn phòng Thừa phát lại

Theo Điều 21 Nghị định 08/2020/NĐ-CP, việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại phải căn cứ vào các tiêu chí sau đây:

– Điều kiện về kinh tế – xã hội của địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại;

– Số lượng vụ việc thụ lý của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự ở địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại;

– Mật độ dân cư và nhu cầu của người dân ở địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại;

– Không quá 02 Văn phòng Thừa phát lại tại 01 đơn vị hành chính cấp huyện là quận, thành phố thuộc tỉnh, thị xã; không quá 01 Văn phòng Thừa phát lại tại 01 đơn vị hành chính huyện.
 


Người được đào tạo Thừa phát lại phải tập sự 06 tháng (Ảnh minh họa)
 

7. Thừa phát lại được lập vi bằng trong phạm vi toàn quốc

Theo Điều 36 Nghị định 08/2020/NĐ-CP, Thừa phát lại được lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc, trừ các trường hợp không được lập vi bằng.
 

8. Thừa phát lại không được tổ chức cưỡng chế thi hành án

Theo khoản 2 Điều 52 Nghị định 08/20200/NĐ-CP, khi tổ chức thi hành án, Thừa phát lại không được thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

– Áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án;

– Sử dụng công cụ hỗ trợ trong khi thi hành công vụ;

– Xử phạt vi phạm hành chính;

– Yêu cầu Tòa án xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án;

– Yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu;

– Các quyền yêu cầu Tòa án xác định người có quyền sở hữu, sử dụng tài sản, giấy tờ tạm giữ; xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản để thi hành án, giải quyết tranh chấp tài sản; yêu cầu hủy giấy tờ, giao dịch liên quan đến tài sản; giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản theo quy định.
 

Thừa phát lại được lập vi bằng trong phạm vi toàn quốc
Thừa phát lại được lập vi bằng trong phạm vi toàn quốc (Ảnh minh họa)
 

9. Bị áp mức khung chi phí tống đạt giấy tờ hồ sơ, tài liệu

Theo Điều 62 Nghị định 08/2020/NĐ-CP, chi phí tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự do Tòa án, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự thỏa thuận với Văn phòng Thừa phát lại trên cơ sở khung mức chi phí.

 Khung mức chi phí tống đạt được quy định như sau:

– Tối thiểu là 65.000 đồng/việc và tối đa là 130.000 đồng/việc;

– Trường hợp tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu ngoài địa bàn cấp tỉnh hoặc ở vùng đảo, quần đảo ngoài địa bàn cấp huyện nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở thì phải thỏa thuận về chi phí tống đạt.

Chi phí này bao gồm: Chi phí phát sinh thực tế nhưng không vượt quá chế độ công tác phí áp dụng đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; tiền công theo ngày làm việc của người thực hiện việc tống đạt nhưng không vượt quá mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc tại cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
 

10. Chi phí lập vi bằng phải được niêm yết công khai

Theo Điều 64 Nghị định mới về Thừa phát lại, chi phí lập vi bằng và xác minh điều kiện thi hành án do người yêu cầu và Văn phòng Thừa phát lại thỏa thuận theo công việc thực hiện hoặc theo giờ làm việc.

Phải niêm yết công khai chi phí lập vi bằng và xác minh điều kiện thi hành án, trong đó xác định rõ mức tối đa, mức tối thiểu và nguyên tắc tính.

Tình Nguyễn