Nghị định 119/2018/NĐ-CP: 7 nội dung nổi bật về hóa đơn điện tử Update 01/2025

Ngày 12/9/2018 vừa qua, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 119 về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Để giúp khách hàng có được cái nhìn tổng quan nhất, dưới đây, LuatVietnam giới thiệu toàn văn những nội dung quan trọng của Nghị định này.

1 – Hoàn thành việc sử dụng hóa đơn điện tử vào 1/11/2020

Tại Nghị định này, Chính phủ yêu cầu việc thực hiện hóa đơn điện tử tại các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ và cá nhân kinh doanh phải được hoàn thành chậm nhất là ngày 01/11/2020.

Trong thời gian từ 1/11/2018 đến ngày 31/10/2020, các Nghị định 51/2010/NĐ-CP và Nghị định 04/2014/NĐ-CP của Chính phủ vẫn còn hiệu lực thi hành.

Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ và cá nhân kinh doanh đã thông báo phát hành hóa đơn đặt in, tự in hoặc đã mua hóa đơn của cơ quan thuế thì được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/10/2020.

2 – Hộ kinh doanh có doanh thu từ 3 tỷ/năm phải dùng hóa đơn điện tử có mã

Điều 12 của Nghị định quy định cụ thể về việc sử dụng hóa đơn điện tử có mã của các hộ, cá nhân kinh doanh như sau:

– Hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện sổ sách kế toán, sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên và có doanh thu năm trước liền kề từ 03 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng hoặc từ 10 tỷ đồng trở lên lĩnh vực thương mại, dịch vụ phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế;

– Hộ, cá nhân kinh doanh không thuộc diện bắt buộc nhưng thực hiện sổ sách kế toán, có yêu cầu thì cũng được áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế;

– Hộ, cá nhân kinh doanh lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, bán lẻ hàng tiêu dùng, thuốc tân dược, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng tại một số địa bàn thuận lợi được thí điểm hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền kết nối với cơ quan thuế từ năm 2018.

– Hộ, cá nhân kinh doanh không đáp ứng điều kiện sử dụng hóa đơn điện có mã của cơ quan thuế nhưng cần có hóa đơn để giao cho khách hàng thì được cấp hóa đơn điện tử có mã theo từng lần phát sinh…

*Hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế là loại hóa đơn điện tử được cơ quan thuế cấp trước khi tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, dịch vụ cho người mua.

Nghị định 119 về hóa đơn điện tử vừa được Chính phủ ban hành (Ảnh minh họa)

3 – Nhiều doanh nghiệp được xuất hóa đơn điện tử không có mã 

Doanh nghiệp kinh doanh ở các lĩnh vực như: Điện lực, xăng dầu, bưu chính viễn thông, vận tải, nước sạch, tài chính tín dụng, bảo hiểm, y tế, kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh siêu thị, thương mại và các doanh nghiệp đã hoặc sẽ giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, có hệ thống phần mềm kế toán đáp ứng yêu cầu thì được sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế.

Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp nêu trên thuộc trường hợp rủi ro cao về thuế thì vẫn phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

* Hóa đơn điện tử không có mã là loại hóa đơn điện tử do tổ chức bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua không có mã của cơ quan thuế.

4 – Hủy hóa đơn giấy khi bắt đầu sử dụng hóa đơn điện tử

Nghị định này cũng yêu cầu, kể từ thời điểm sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh phải hủy những hóa đơn giấy còn tồn chưa sử dụng (khoản 3 Điều 14).

Hiện nay, thủ tục hủy hóa đơn giấy được thực hiện theo Nghị định 39/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính, trong đó yêu cầu phải hủy hóa đơn chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày thông báo với cơ quan thuế.

5 – Hóa đơn điện tử được chuyển đổi thành chứng từ giấy

Điều 10 Nghị định 119 về hóa đơn điện tử quy định, hóa đơn điện tử hợp pháp được chuyển đổi thành chứng từ giấy. Việc chuyển đổi phải bảo đảm sự khớp đúng giữa nội dung của hóa đơn điện tử và chứng từ giấy.

Hóa đơn điện tử được chuyển đổi thành chứng từ giấy thì chứng từ giấy chỉ có giá trị lưu giữ để ghi sổ, theo dõi theo quy định và không có hiệu lực để giao dịch, thanh toán, trừ trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.

6 – Hóa đơn điện tử có sai sót phải báo ngay với cơ quan thuế

Trường hợp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế chưa gửi cho người mua có phát hiện sai sót thì người bán phải thông báo ngay với cơ quan thuế để hủy hóa đơn đã lập và lập hóa đơn mới thay thế.

Trường hợp hóa đơn điện tử có mã đã gửi cho người mua mới phát hiện sai sót thì người bán và người mua phải lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót; người bán phải thông báo với quan thuế để hủy hóa đơn đã lập và lập hóa đơn mới thay thế (Theo Điều 17).

7 – 5 trường hợp được cấp hóa đơn điện tử miễn phí

Nghị định này quy định cụ thể về các đối tượng được cơ quan thuế cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử miễn phí, trong đó gồm:

– Hộ, cá nhân kinh doanh, trừ hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu năm trước từ 03 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, xây dựng hoặc 10 tỷ đồng trở lên lĩnh vực thương mại, dịch vụ;

– Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và hộ, cá nhân kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp trong 12 tháng, kể từ khi thành lập doanh nghiệp;

– Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, cá nhân kinh doanh tại địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn;

– Doanh nghiệp nhỏ và vừa khác theo đề nghị của UBND cấp tỉnh, trừ doanh nghiệp hoạt động tại khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao;

– Đối tượng khác do Bộ Tài chính quyết định.

Trên đây là tổng hợp những nội dung quan trọng, đáng chú ý của Nghị định 119 về hóa đơn điện tử. Nghị định này sẽ chính thức được có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2018. LuatVietnam sẽ tiếp tục cập nhật những văn bản hướng dẫn Nghị định này ngay khi được ban hành.

Xem thêm:

Hướng dẫn chi tiết cách thực hiện hóa đơn điện tử 2018

LuatVietnam