Ngủ nhờ nhà bạn, có phải thông báo cho Công an? Update 11/2024

Chuyện người thân, người quen đến ngủ nhờ qua đêm không phải là hiếm trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết thủ tục thông báo cho cơ quan có thẩm quyền khi có người đến ngủ nhờ.

Ngủ nhờ nhà bạn, có phải thông báo cho Công an?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Cư trú 2006khoản 1 Điều 21 Thông tư 35/2014/TT-BCA:

Lưu trú là việc công dân ở lại trong một thời gian nhất định tại địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn ngoài nơi cư trú của mình và không thuộc trường hợp phải đăng ký tạm trú.

Nghĩa là, khi người dân đến một nơi mình không có hộ khẩu thường trú, không thuộc trường hợp đăng ký thường trú, không thuộc trường hợp đăng ký tạm trú thì gọi là lưu trú.

Chẳng hạn: Anh A đến ở nhờ nhà bạn 1 hôm, chị B đến khách sạn ở 03 hôm trong thời gian đi du lịch… thì anh A hay chị B thuộc trường hợp là người lưu trú.

Theo quy định hiện nay tại Luật Cư trú, khi có người đến lưu trú, bắt buộc phải thông báo cho Công an xã, phường, thị trấn.
 

Lưu trú là gì? Thủ tục thông báo lưu trú?
Ngủ nhờ nhà bạn có phải thông báo cho Công an?​ (Ảnh minh họa)
 

Ai có trách nhiệm thông báo lưu trú?

Luật Cư trú sửa đổi, bổ sung 2013 quy định những người sau có trách nhiệm phải thông báo lưu trú:

– Đại diện gia đình, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở khác khi có người đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú;

– Người đến lưu trú tại nhà ở của gia đình, nhà ở tập thể mà chủ gia đình, nhà ở tập thể đó không đăng ký thường trú tại địa bàn xã, phường, thị trấn đó thì người đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú.

Như vậy, nếu bạn đến nhà ngủ nhờ thì chủ nhà phải tiến hành thông báo cho Công an cấp xã. Nếu chủ nhà không có hộ khẩu tại địa phương đó thì bản thân người đến ngủ nhờ phải đi thông báo lưu trú.
 

Thủ tục thông báo lưu trú?

Nếu trách nhiệm thông báo lưu trú thuộc về đại diện nhà nghỉ, khách sạn, gia đình, nhà ở tập thể… thì những người này có trách nhiệm:

– Đề nghị người đến lưu trú xuất trình một trong các giấy tờ sau: Chứng minh nhân dân; hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng; giấy tờ tùy thân khác hoặc giấy tờ do cơ quan, tổ chức, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn cấp. Đối với người dưới 14 tuổi đến lưu trú thì không phải xuất trình các giấy tờ nêu trên nhưng phải cung cấp thông tin về nhân thân của người dưới 14 tuổi;

– Thông báo việc lưu trú với Công an xã, phường, thị trấn.

Trường hợp người đến lưu trú là người có trách nhiệm thông báo lưu trú thì người này phải thông báo việc lưu trú với Công an xã, phường, thị trấn.

Việc thông báo lưu trú được thực hiện trực tiếp hoặc bằng điện thoại hoặc qua mạng internet, mạng máy tính. Người tiếp nhận thông báo lưu trú phải ghi vào sổ tiếp nhận lưu trú và không cấp giấp tờ chứng nhận lưu trú cho công dân.

Nơi tiếp nhận thông báo lưu trú là trụ sở Công an xã, phường, thị trấn. Căn cứ vào điều kiện thực tế, các địa phương quyết định thêm địa điểm khác để tiếp nhận thông báo lưu trú.

>> Làm sao để chứng minh không mua, bán dâm khi vào nhà nghỉ?