04 trường hợp phải bồi thường thiệt hại
Theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân, pháp nhân được bồi thường thiệt hại khi quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Theo đó, người gây ra thiệt hại phải bồi thường khi xâm phạm đến:
– Tính mạng, sức khỏe;
– Danh dự, nhân phẩm, uy tín;
– Tài sản;
– Quyền và lợi ích hợp pháp khác;
Trong đó, thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời, nhanh chóng. Các bên sẽ thỏa thuận về mức bồi thường, cách thức thực hiện bồi thường bằng tiền, hiện vật ….
Đặc biệt, nếu thiệt hại gây ra do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường. Nhưng nếu người bị thiệt hại chỉ có một phần lỗi thì người gây thiệt hại phải bồi thường phần thiệt hại mà mình gây ra.
Những trường hợp phải bồi thường thiệt hại theo quy định (Ảnh minh họa)
Người dưới 15 tuổi gây thiệt hại, cha mẹ phải bồi thường toàn bộ
Theo quy định tại Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015, người đủ 18 tuổi trở lên có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do chính mình gây ra.
Ngoài ra, một số đối tượng khác nếu gây thiệt hại thì được quy định như sau:
– Cha mẹ phải bồi thường toàn bộ nếu người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại. Trong trường hợp tài sản của cha mẹ không đủ để bồi thường thì người dưới 15 tuổi phải lấy tài sản riêng của mình (nếu có) bồi thường. Nếu trong thời gian trường học trực tiếp quản lý thì nhà trường phải có trách nhiệm bồi thường;
– Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi phải tự dùng tài sản của mình để bồi thường cho những thiệt hại mà mình gây ra. Nếu tài sản không đủ thì cha mẹ phải bồi thường số thiệt hại còn thiếu.
– Người giám hộ dùng tài sản của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi để bồi thường. Nếu những người này không có hoặc tài sản không đủ để bồi thường thì người giám hộ phải lấy tài sản của mình để bồi thường.
Lưu ý: Nếu những người này gây thiệt hại khi đang được bệnh viện trực tiếp quản lý thì bệnh viện phải bồi thường thiệt hại.
Người gây thiệt hại chết, đòi bồi thường như thế nào? (Ảnh minh họa)
Người gây thiệt hại đã chết, đòi bồi thường thế nào?
Nhiều người quan niệm, chết là xong hết mọi nghĩa vụ và trách nhiệm. Tuy nhiên, không hẳn lúc nào điều đó cũng đúng. Một trong số đó là nghĩa vụ thực hiện bồi thường thiệt hại.
Theo đó, Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ: “Những người thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Do đó, nếu người gây ra thiệt hại đã chết thì trách nhiệm bồi thường sẽ do những người thừa kế của người đó thực hiện. Đặc biệt, những người thừa kế chỉ phải thực hiện nghĩa vụ tài sản không vượt quá phần tài sản mà mình được hưởng.
Theo đó, những người sau đây có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại thay cho người chết:
– Hàng thừa kế thứ nhất: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
– Hàng thừa kế thứ hai: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
– Hàng thừa kế thứ ba: Cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Trong đó, thứ tự ưu tiên hưởng thừa kế được sắp xếp theo thứ tự các hàng thừa kế. Những người có tên trong hàng thừa kế thứ nhất phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại của người chết trước. Nếu hàng thừa kế trước không còn ai thì hàng thừa kế sau phải thực hiện.
Bởi vậy, nếu người gây thiệt hại đã chết thì trước tiên người bị thiệt hại phải liên hệ với vợ, chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi… của người này để yêu cầu đòi bồi thường. Nếu họ không thực hiện thì có thể khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu những người này bồi thường.
>> Mẫu Văn bản yêu cầu bồi thường thiệt hại mới nhất 2019
Nguyễn Hương