Nhà xây không phép có đăng ký thường trú, tạm trú được không? Update 01/2025

Từ ngày 01/7/2021, sẽ có thêm nhiều địa điểm không được đăng ký thường trú, tạm trú mới. Vậy, trường hợp nhà xây không phép có đăng ký thường trú, tạm trú được không?

Địa điểm nào không được đăng ký thường trú, tạm trú mới?

Điều 23 Luật Cư trú 2020 quy định 05 địa điểm không được đăng ký thường trú mới như sau:

– Chỗ ở nằm trong địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng hoặc lấn, chiếm hành lang bảo vệ quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng, mốc giới bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử – văn hóa đã được xếp hạng, khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật.

– Chỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn, chiếm trái phép hoặc chỗ ở xây dựng trên diện tích đất không đủ điều kiện xây dựng theo quy định của pháp luật.

– Chỗ ở đã có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chỗ ở là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng nhưng chưa được giải quyết theo quy định của pháp luật.

– Chỗ ở bị tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; phương tiện được dùng làm nơi đăng ký thường trú đã bị xóa đăng ký phương tiện hoặc không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

– Chỗ ở là nhà ở đã có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Khoản 3 Điều 27 Luật này cũng quy định, công dân không được đăng ký tạm trú mới tại chỗ ở nêu trên.

Trong các trường hợp nêu trên, không có quy định cấm việc đăng ký thường trú, tạm trú tại nhà ở xây dựng không phép

Nhà xây không phép có đăng ký thường trú tạm trú được không?​ (Ảnh minh họa)
 

Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký thường trú, tạm trú

Người đi đăng ký thường trú, tạm trú phải xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.

Theo Nghị định 62/2021/NĐ-CP, giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:

 

Giấy tờ, tài liệu chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà hoặc tài sản gắn liền với đất do cơ quan có thẩm quyền cấp (trong đó có thông tin về nhà ở);

– Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng (đối với trường hợp công trình phải cấp giấy phép xây dựng và đã xây dựng xong);

– Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;

– Hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán;

– Giấy tờ về mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở;

– Giấy tờ về giao tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, cấp nhà ở, đất ở cho cá nhân, hộ gia đình;

– Giấy tờ của Tòa án hoặc cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền giải quyết cho được sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật;

– Giấy tờ có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở nếu không có một trong các giấy tờ nêu trên;

– Giấy tờ chứng minh về đăng ký, đăng kiểm phương tiện thuộc quyền sở hữu. Trường hợp phương tiện không phải đăng ký, đăng kiểm thì cần có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về việc phương tiện được sử dụng để ở; Giấy xác nhận đăng ký nơi thường xuyên đậu, đỗ của phương tiện nếu nơi đăng ký cư trú không phải nơi đăng ký phương tiện hoặc phương tiện đó không phải đăng ký, đăng kiểm;

– Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp là văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ của cơ quan, tổ chức, cá nhân phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở;

– Giấy tờ của cơ quan, tổ chức do thủ trưởng cơ quan, tổ chức ký tên, đóng dấu chứng minh về việc được cấp, sử dụng nhà ở, chuyển nhượng nhà ở, có nhà ở tạo lập trên đất do cơ quan, tổ chức giao đất để làm nhà ở (đối với nhà ở, đất thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức).

Như vậy, chỉ trừ 03 trường hợp được miễn giấy phép xây dựng, nhà xây phải xin cấp giấy phép xây dựng mới được coi là giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Tuy nhiên, nếu không có giấy phép xây dựng, người dân có thể có các giấy tờ khác để chứng minh mình sinh sống tại chỗ ở hợp pháp. Ví dụ: Giấy tờ có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở.

Lưu ý: Hiện nay, dự thảo này vẫn chưa được thông qua. LuatVietnam sẽ thông tin đến bạn ngay khi văn bản này được ban hành.

 

Nhà xây không phép đăng ký thường trú, tạm trú được không?

Như đã phân tích ở trên, nhà ở xây không phép không thuộc địa điểm cấm đăng ký thường trú, tạm trú. Dù là một trong những giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký thường trú, tạm trú nhưng nếu không có giấy tờ này, người dân vẫn có thể sử dụng giấy tờ, tài liệu khác để chứng minh nhà ở của mình là chỗ ở hợp pháp.

Do vậy, trường hợp nhà xây dựng không có giấy phép vẫn có thể được đăng ký thường trú, tạm trú nếu người dân có giấy tờ khác chứng minh đó là chỗ ở hợp pháp.

Nếu có vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.

>> Thủ tục đăng ký tạm trú từ 01/7/2021

>> Thủ tục đăng ký thường trú từ 01/7/2021