Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, rất nhiều người lao động đã rơi vào tình trạng thất nghiệp. Do đó, nhu cầu nhận trợ cấp thất nghiệp trong thời điểm này có xu hướng tăng. Dưới đây là một số thắc mắc thường gặp khi nhận trợ cấp thất nghiệp mùa Covid.
- 1/ Cứ nghỉ việc thì được nhận trợ cấp thất nghiệp?
- 2/ Nghỉ việc đã nhiều tháng, có được nhận trợ cấp thất nghiệp?
- 3/ Hồ sơ hưởng trợ hiểm thất nghiệp gồm những giấy tờ gì?
- 4/ Nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp ở đâu?
- 5/ Mùa dịch, nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng cách nào?
- 6/ Nộp hồ sơ muộn do giãn cách, phong tỏa, có được nhận trợ cấp?
- 7/ Đang giãn cách xã hội, làm sao để thông báo tìm kiếm việc làm?
- 8/ Đang nhận trợ cấp bằng tiền mặt, đổi hình thức nhận được không?
1/ Cứ nghỉ việc thì được nhận trợ cấp thất nghiệp?
LuatVietnam xin trả lời bạn như sau:
Theo quy định hiện hành, không phải cứ nghỉ việc thì được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Người lao động muốn hưởng trợ cấp này phải đáp ứng đủ các điều kiện tại Điều 47 Luật Việc làm năm 2013:
– Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.
– Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.
– Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động.
– Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ trừ các trường hợp như thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, bị tạm giam, chết…
Như vậy, có thể thấy, bạn mới đóng bảo hiểm bảo hiểm được khoảng 7-8 tháng nên chưa đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Xem thêm: Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp mới nhất
2/ Nghỉ việc đã nhiều tháng, có được nhận trợ cấp thất nghiệp?
LuatVietnam xin trả lời bạn như sau:
Thời điểm nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định rõ tại khoản 1 Điều 46 Luật Việc làm như sau:
1. Trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập.
Đối chiếu với quy định này, bạn đã nghỉ việc từ tháng 2/2021 thì phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong vòng 3 tháng ngay sau đó. Hiện tại đã là tháng 8/2021, đã 06 tháng kể từ thời điểm bạn nghỉ việc.
Do đó, bạn không được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp tại thời điểm này. Tuy nhiên, thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp của bạn sẽ được bảo lưu để cộng dồn cho lần hưởng sau nếu đủ điều kiện.
Xem thêm: “Mất trắng” tiền bảo hiểm thất nghiệp nếu không lĩnh sau 3 tháng?
Giải đáp thắc mắc thường gặp khi nhận trợ cấp thất nghiệp mùa dịch (Ảnh minh họa)
3/ Hồ sơ hưởng trợ hiểm thất nghiệp gồm những giấy tờ gì?
LuatVietnam trả lời bạn như sau:
Căn cứ Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 61/2020/NĐ-CP, để hưởng trợ cấp thất nghiệp, bạn cần chuẩn bị những giấy tờ sau:
1 – Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo mẫu);
2 – Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ chứng minh việc chấm dứt hợp đồng lao động:
+ Hợp đồng lao động đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc;
+ Quyết định thôi việc;
+ Quyết định sa thải;
+ Quyết định kỷ luật buộc thôi việc;
+ Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động;
+ Xác nhận của doanh nghiệp về việc chấm dứt hợp đồng lao động: ghi cụ thể về thông tin của người lao động; loại hợp đồng lao động đã ký; lý do, thời điểm chấm dứt.
+ Xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc doanh nghiệp hoặc hợp tác xã giải thể, phá sản…
3 – Sổ bảo hiểm xã hội.
Lưu ý: Bạn chuẩn bị thêm 1 bản photo chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân nếu nộp hồ sơ qua đường bưu điện.
Xem thêm: Hồ sơ, thủ tục nhận tiền trợ cấp thất nghiệp
4/ Nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp ở đâu?
LuatVietnam xin trả lời bạn như sau:
Về nơi nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, khoản 1 Điều 17 Nghị định 28/2015/NĐ-CP nêu rõ:
Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định tại Điều 16 của Nghị định này cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.
Theo đó, người lao động được đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại bất kì trung tâm dịch vụ việc làm ở địa phương nào mà mình muốn nhận.
Vì vậy, nếu đủ điều kiện và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp, bạn hoàn toàn có thể nộp hồ sơ tại trung tâm dịch vụ việc làm ở Hà Nội.
Do bạn ở Cầu Giấy nên để thuận tiện nhất, bạn có thể gửi hồ sơ đến trung tâm dịch vụ việc làm tại số 215 Phố Trung Kính, Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Ngoài ra bạn cũng có thể tham khảo các địa chỉ trung việc làm khác ở Hà Nội tại đây.
Xem thêm: Làm ở thành phố, về quê nhận bảo hiểm thất nghiệp được không?
Nhận trợ cấp thất nghiệp ở đâu? (Ảnh minh họa)
5/ Mùa dịch, nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng cách nào?
LuatVietnam xin trả lời bạn như sau:
Theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 17 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, trong trường hợp xảy ra dịch bệnh, bạn hoàn toàn có thể nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp qua bưu điện mà không cần trực tiếp đến trung tâm dịch vụ việc làm.
Khi nộp hồ sơ cho bưu điện, bạn cần chuẩn bị đủ 01 bộ hồ sơ gồm:
1 – Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo mẫu);
2 – Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ chứng minh việc chấm dứt hợp đồng lao động.
3 – Sổ bảo hiểm xã hội.
4 – Bản photo chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân.
Xem thêm: Giãn cách xã hội: Làm sao để nộp hồ sơ và hưởng trợ cấp thất nghiệp?
6/ Nộp hồ sơ muộn do giãn cách, phong tỏa, có được nhận trợ cấp?
LuatVietnam trả lời bạn như sau:
Theo quy định hiện hành, người lao động phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Trường hợp có dịch bệnh thì không cần gửi hồ sơ trực tiếp nhưng vẫn phải đảm bảo gửi đến trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn trên.
Tùy từng địa phương mà việc giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp trong thời điểm diễn ra dịch bệnh sẽ linh động theo hướng có lợi cho người lao động.
Cụ thể như bạn ở thành phố Hồ Chí Minh, nếu không thể nộp hồ sơ qua bưu điện, bạn có thể nộp hồ sơ đến trung tâm dịch vụ việc làm ngay khi hết thời gian phong tỏa.
Nếu thật sự cần thiết hoặc hồ sơ sắp hết thời hạn 3 tháng để nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp thì bạn có thể vui lòng liên hệ đường dây nóng các điểm tiếp nhận của Trung tâm để được tư vấn hướng dẫn cụ thể.
+ Phòng Bảo hiểm thất nghiệp: 028.35147187 hoặc 0903708955 (Chị Kim Phượng) hoặc 0348078461 (Chị Huyền).
+ Chi nhánh Bảo hiểm thất nghiệp Quận 4: 028.39415841 hoặc 0905450188 (Chị Quế Phương).
+ Chi nhánh Bảo hiểm thất nghiệp Quận 6: 028.39600050 hoặc 0878648377 (Anh Ngọc Đức).
+ Chi nhánh Bảo hiểm thất nghiệp Quận 12: 0918 102 322 (Anh Võ Năm) hoặc 0976 894 141 (Chị Kiều).
+ Chi nhánh Bảo hiểm thất nghiệp Quận Tân Bình: 028.38123889 hoặc 0919313236 (Anh Trung Đức).
+ Chi nhánh Bảo hiểm thất nghiệp Thành phố Thủ Đức: 028.37431373 hoặc 0702183171 (Chị Huyền Trang).
+ Cơ sở 2 – Củ Chi (Bảo hiểm thất nghiệp Củ Chi): 028.37975424 hoặc 0938718045 (Anh Phi Hùng).
Quá hạn nộp hồ sơ, có được nhận trợ cấp thất nghiệp? (Ảnh minh họa)
7/ Đang giãn cách xã hội, làm sao để thông báo tìm kiếm việc làm?
LuatVietnam trả lời bạn như sau:
Hiện nay, căn cứ Nghị quyết 42/NQ-CP năm 2020, trong tình hình dịch bệnh, bạn có thể thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm qua các cách sau mà không cần đến trực tiếp trung tâm dịch vụ việc làm:
– Gửi thư điện tử (email);
– Fax;
– Qua đường bưu điện;
– Zalo…
Bạn thực hiện việc thông báo như sau:
Bước 1: Kê khai đầy đủ thông tin theo Mẫu số 16 ban hành kèm theo Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH.
Bước 2: Gửi thông báo tìm kiếm việc làm đến Trung tâm dịch vụ việc làm.
– Nếu gửi qua Email: Gửi bản chụp thông báo tìm kiếm việc làm đã kê khai đến địa chỉ hòm thư điện của trung tâm dịch vụ việc làm mà mình đang hưởng trợ cấp.
– Nếu gửi qua bưu điện: Gửi bản chính thông báo tìm kiếm việc làm đã kê khai đến trung tâm dịch vụ việc làm mà mình đang hưởng trợ cấp.
– Nếu gửi qua Zalo: Người lao động gửi bản chụp thông báo tìm kiếm việc làm đã kê khai đến số Zalo mà trung tâm dịch vụ việc làm cung cấp.
Xem thêm: Mùa dịch, thông báo tìm việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp thế nào?
8/ Đang nhận trợ cấp bằng tiền mặt, đổi hình thức nhận được không?
LuatVietnam trả lời bạn như sau:
Bạn hoàn toàn có thể đổi hình thức nhận trợ cấp thất nghiệp thông qua các cách sau:
Cách 1. Thay đổi hình thức nhận trên ứng dụng VssID.
Cách 2. Gọi điện đến Tổng đài của Bưu điện Việt Nam để đăng ký nhận trợ cấp tại nhà.
Cách 3. Liên hệ với nhân viên bưu biện để đăng ký nhận trợ cấp tại nhà.
Xem thêm: Chi tiết cách đăng ký nhận lương hưu, trợ cấp BHXH tại nhà
Trên đây là một số thắc mắc khi nhận trợ cấp thất nghiệp mùa Covid. Nếu trong quá trình thực hiện mà gặp khó khăn, bạn có thể liên hệ tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ sớm nhất.
>> Trợ cấp thất nghiệp: Điều kiện, mức hưởng và thủ tục nhận
>> Bảo hiểm thất nghiệp: Điều kiện, mức hưởng, thủ tục hưởng
>> 4 cách tra cứu bảo hiểm thất nghiệp đơn giản mà ít ai biết