Nhờ người thân làm lý lịch tư pháp bằng cách nào? Update 04/2024

Trong nhiều trường hợp, người có nhu cầu xin cấp lý lịch tư pháp không thể tự mình thực hiện thủ tục này. Lúc này, tùy từng trường hợp mà pháp luật cho phép cha/mẹ/vợ/chồng hoặc những người thân khác có thể làm lý lịch tư pháp thay.

Trường hợp nào được nhờ người thân làm lý lịch tư pháp?

Theo quy định tại Điều 45 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009, cá nhân có thể uỷ quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1. Việc uỷ quyền phải được lập thành văn bản theo quy định của pháp luật; trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì không cần văn bản ủy quyền.

Tuy nhiên, với Phiếu lý lịch tư pháp số 2 thì pháp luật có quy định khác. Khoản 2 Điều 46 Luật Lý lịch tư pháp quy định rất rõ:

Trường hợp cá nhân yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 thì không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

Như vậy, hiện nay, pháp luật chỉ cho phép nhờ người thân làm Phiếu lý lịch tư pháp số 1.

Xem thêm: Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và số 2 khác nhau như thế nào?

Nhờ người thân làm lý lịch tư pháp bằng cách nào?
Nhờ người thân làm lý lịch tư pháp bằng cách nào? (Ảnh minh họa)

 

Nhờ người thân làm lý lịch tư pháp bằng cách nào?

Trường hợp người thân là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp, khi tiến hành làm thủ tục lý lịch tư pháp hộ thì phải xuất trình giấy tờ chứng minh quan hệ cha, mẹ, vợ, chồng, con như: giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh hoặc sổ hộ khẩu…

Trường hợp người làm hộ lý lịch tư pháp là người thân khác (cô, dì, chú, bác…; người quen…) thì bắt buộc có văn bản ủy quyền làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp có công chứng.

Như vậy, khi tiến hành thủ tục làm lý lịch tư pháp số 1 thay người khác, cần chuẩn bị các giấy tờ sau:

– Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp;

– Bản chụp giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp;

– Bản chụp sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp;

– Văn bản ủy quyền hoặc giấy tờ chứng minh quan hệ cha, mẹ, vợ, chồng, con;

– Xuất trình giấy tờ tùy thân của người đi làm lý lịch tư pháp.

Hồ sơ được nộp tại Sở Tư pháp nơi người xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp thường trú; trường hợp không có nơi thường trú thì nộp tại Sở Tư pháp nơi tạm trú; trường hợp cư trú ở nước ngoài thì nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú trước khi xuất cảnh.

Sau khi nộp hồ sơ đúng và đầy đủ, cần đóng phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp (200.000 đồng/lần/người; học sinh, sinh viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ là 100.000/lần/người; trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo được miễn phí).

Công chức nhận hồ sơ sẽ cấp giấy hẹn lấy Phiếu lý lịch tư pháp. Người dân đến nhận Phiếu lý lịch tư pháp theo thời gian ghi trong giấy hẹn.

Ngoài ra, người dân cũng có thể tiến hành làm lý lịch tư pháp online hoặc làm lý lịch tư pháp qua bưu điện.

Để được sử dụng dịch vụ hỗ trợ làm lý lịch tư pháp nhanh nhất, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 1900 6192.