Nữ tài xế đi sai làn, chửi bới CSGT nên bị xử lý như thế nào? Update 01/2025

(LuatVietnam) Vi phạm luật giao thông đường bộ, giằng co, cự cãi với chiến sĩ CSGT, nữ tài xế có thể phải đối mặt với nhiều tội danh…

Tối 17/07, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip ghi lại cảnh một phụ nữ lớn tiếng chửi bới và có những lời nói không đúng với một chiến sĩ CSGT. Đoạn clip sau đó được lan truyền rất nhanh trên mạng xã hội với số lượt bình luận và chia sẻ tăng chóng mặt.

Được biết, vụ việc trên xảy ra vào khoảng chiều tối ngày 17/07 tại đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Theo đó, vào thời điểm này, một người phụ nữ được cho là điều khiển xe ô tô lấn sang làn đường ngược chiều gây ùn tắc giao thông. Khi được một chiến sĩ CSGT nhắc nhở, yêu cầu đi đúng vào phần đường của mình thì người phụ nữ này xuống xe, nắm giữ dùi cui của đồng chí CSGT và bắt đầu giằng co, chửi bới và có những lời nói lăng mạ chiến sĩ CSGT này. Sự việc kéo dài trong nhiều phút khiến giao thông trên tuyến đường bị gián đoạn.

Sau khi chứng kiến vụ việc, nhiều người không khỏi bức xúc trước thái độ và cách ứng xử của người phụ nữ này, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng phải xử lý thật nghiêm để răn đe.

Vậy người nữ tài xế trong trường hợp trên sẽ bị xử lý như thế nào?

(Hình ảnh cắt ra từ clip)

Trước tiên, xét về khía cạnh giao thông đường bộ, nữ tài xế điều khiển xe lấn làn có thể bị xử phạt hành chính đến 1.200.000 đồng. Cụ thể, Khoản 4 Điều 5 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có quy định xử phạt người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau: Phạt tiền từ 800.000 đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”; Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình, đi không đúng phần đường hoặc làn đường theo quy định, điều khiển xe đi qua dải phân cách cứng ở giữa hai phần đường xe chạy, điều khiển xe đi trên hè phố… Ngoài bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng.

Bên cạnh việc xử phạt hành chính, người phụ nữ trong tình huống nêu trên còn có thể bị xử lý hình sự về Tội chống người thi hành công vụ với khung hình phạt là phạt tù. Cụ thể, Điều 257 Bộ luật Hình sự 1999 Tội Chống người thi hành công vụ có nêu: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau thì bị  phạt tù từ 02 đến 07 năm: Có tổ chức; Phạm tội nhiều lần; Xúi giục, lôi kéo, kích động, người khác phạm tội; Gây hậu quả nghiêm trọng; Tái phạm nguy hiểm.

Không những vậy, trong quá trình tranh cãi với chiến sĩ CSGT, nữ tài xế còn có những lời lẽ chửi bới, lăng mạ chiến sĩ này. Đối chiếu với các quy định của pháp luật, nữ tài xế còn có thể bị xem xét xử lý Tội làm nhục người khác với mức phạt cao nhất lên đến 03 năm tù. Điều này được quy định tại Điều 121 Bộ luật Hình sự 1999. Theo đó, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 01 đến 03 năm: Phạm tội nhiều lần; Đối với nhiều người; Đối với người thi hành công vụ;…

Tình trạng không chấp hành đúng luật giao thông, sử dụng hành động, lời nói không đúng chống đối lại chiến sĩ CSGT đang diễn ra khá phổ biến trong xã hội. Rất nhiều clip, hình ảnh ghi lại các vụ việc tương tự đã được công bố rộng rãi trên mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng gây bất bình trong cộng đồng. Do đó, để làm gương cho người khác và hạn chế những hành vi tương tự xảy ra, các cơ quan chức năng cần phải có biện pháp xử lý nghiêm minh đối với trường hợp cố tình vi phạm.

Những điều, khoản trên chỉ mang tính chất tham khảo. Để tìm hiểu rõ hơn về những nội dung được nêu trong bài, bạn đọc có thể tham khảo các văn bản sau:

Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10 của Quốc hội

 

Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt