Phục hồi sản xuất sau dịch bệnh: Doanh nghiệp cần chú ý 3 điều này Update 11/2024

Mới đây, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động phục hồi sản xuất sau dịch bệnh. Đây có thể coi là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid – 19.

 

Làm thủ tục để người lao động hưởng các gói hỗ trợ

Nghị quyết 68/NQ-CP và Nghị quyết 116/NQ-CP  là những văn bản quy định về các chính sách hỗ trợ dành cho người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh.  Mỗi Nghị quyết đều có những quy định riêng về điều kiện hưởng của người lao động và có mức hưởng cụ thể cho từng đối tượng.

Trong đó, Nghị quyết 68 dành chính sách hỗ trợ cho những người lao động tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục; chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; ngừng việc từ 14 ngày trở lên; lao động tự do.

Còn Nghị quyết 116 lại dành tiền hỗ trợ cho người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp; dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động.

Ngoài ra theo Nghị quyết 68/2021/NQ-CP, doanh nghiệp được hỗ trợ thêm các chính sách sau:

– Tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí, tử tuất;

– Nhận hỗ trợ nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động;

– Vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.

Đây là những khoản hỗ trợ rất kịp thời của nhà nước đối với doanh nghiệp và người lao động để phục hồi sản xuất. Theo hướng dẫn tại Quyết định 23/2021/QĐ-TTg và Quyết định 28/2021/QĐ-TTg, doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm lập hồ sơ, phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội để hoàn tất thủ tục để người lao động cũng như doanh nghiệp hưởng các khoản tiền và chính sách hỗ trợ.

Xem chi tiết: Thủ tục nhận hỗ trợ khi nghỉ việc không hưởng lương vì Covid-19

 

Đăng ký luồng xanh để vận chuyển hàng hoá, nhân công

Việc quay trở lại sản xuất của doanh nghiệp sẽ gắn liền với việc vận chuyển, lưu thông hàng hoá. Do đó, doanh nghiệp cần phải gấp rút xin giấy phép đăng ký luồng xanh cho các phương tiện vận chuyển hàng hoá và người lao động.

Trước hết, doanh nghiệp phải là đối tượng đủ điều kiện để xin giấy luồng xanh. Theo Công văn 4977 ngày 18/7/2021 và Công văn 5223 ngày 25/7/2021 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, loại phương tiện được đăng ký thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên khi hoạt động trên các luồng xanh bao gồm: 

– Xe ô tô tải, xe đầu kéo, xe công ten nơ và các loại xe chuyên dụng vận chuyển các loại hàng hóa sau:

+ Hàng hóa thiết yếu theo hướng dẫn tại văn bản số 4349/BCT-TTTN ngày 21/7/2021 của Bộ Công Thương về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

+ Hàng hóa thiết yếu khác theo hướng dẫn của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi nhận hàng của hành trình vận chuyển hàng hóa thiết yếu) hoặc đầu mối do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ định.

+ Hàng hóa phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh không bị dừng hoặc cấm hoạt động theo chỉ đạo của UBND cấp tỉnh, Ban Chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

– Xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các cơ sở sản xuất kinh doanh không bị dừng hoặc cấm hoạt động theo chỉ đạo của UBND cấp tỉnh, Ban Chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh, thành phố.

Bên cạnh đó, theo điểm a khoản 2 Mục III Nghị quyết 105/NQ-CP, Chính phủ cũng đã khẳng định là không quy định thêm các điều kiện, giấy phép cản trở lưu thông hàng hoá, đặc biệt đối với hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân và vật tư, nguyên liệu sản xuất; không để xảy ra tiêu cực, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Xem chi tiết: Hướng dẫn đăng ký Luồng xanh online đơn giản, thuận tiện

doanh nghiep phuc hoi san xuat sau dich benhDoanh nghiệp phục hồi sản xuất sau dịch bệnh (Ảnh minh hoạ)
 

Được kéo dài thời gian miễn, giảm lãi vay đến 30/6/2022

Theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 14/2021/TT-NHNN, việc miễn, giảm lãi, phí sẽ được thực hiện đến ngày 30/6/2022 thay vì 31/12/2021 như quy định trước đó tại khoản 3 Điều 1 Thông tư 03/2021/TT-NHNN.

Trong đó, khách hàng bao gồm cả doanh nghiệp sẽ được miễn, giảm lãi, phí khi đáp ứng đồng thời các điều kiện như sau:

– Áp dụng với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 01/8/2021 từ hoạt động cấp tín dụng nhưng không bao gồm các khoản nợ phát sinh từ việc mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

– Nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán phải nằm trong khoảng thời gian từ 23/01/2021 – 30/6/2022.

– Doanh nghiệp không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến doanh thu, thu nhập của khách hàng bị giảm.

Ngoài ra, việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cũng được tiếp tục áp dụng đến ngày 30/6/2022.

Trường hợp có khoản vay chậm trả tại ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng, doanh nghiệp cần liên hệ với các bên để trao đổi và được hướng dẫn về thủ tục lùi thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay. Bên cạnh đó, theo Nghị quyết 105/NQ-CP, Chính phủ đang kêu gọi khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu và khoản vay mới nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.

Như vậy, hiện nay có khá nhiều chính sách hỗ trợ người lao động và giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau dịch bệnh. Nếu có thắc mắc liên quan đến vấn đề này, độc giả vui lòng liên hệ đến tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.

>> 3 lưu ý khi hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động do dịch bệnh