Sau khi đăng ký hộ kinh doanh cần phải làm gì? Update 11/2024

Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh là căn cứ pháp lý để hộ kinh doanh hoạt động hợp pháp. Tuy nhiên sau khi có giấy này, hộ kinh doanh vẫn phải thực hiện một số công việc cần thiết khác.

Kiểm tra Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh

Sau khi nhận Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, chủ hộ kinh doanh kiểm tra thông tin trên Giấy chứng nhận.

Khi phát hiện nội dung trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sai lệch (chưa chính xác) so với hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thì doanh nghiệp có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền đính chính nội dung trong Giấy chứng nhận đăng ký.

Lưu ý: Hộ kinh doanh không được tự ý cạo, sửa, viết thêm, … làm thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

Trường hợp thông tin đăng ký hộ kinh doanh đã đầy đủ và chính xác, Hộ kinh doanh có thể yêu cầu Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện cấp bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh và nộp phí theo quy định.

Nộp hồ sơ đăng ký thuế

Căn cứ điểm i khoản 2 Điều 4 Thông tư 105/2020/TT-BTC, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả cá nhân của các nước có chung đường biên giới đất liền với việt Nam thực hiện hoạt động mua, bán, trao đổi hàng hóa tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu (sau đây gọi là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) là đối tượng thực hiện đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế.

Theo khoản 8 Điều 7 Thông tư 105/2020/TT-BTC, dù là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nhưng tùy thuộc đối tượng cụ thể mà chuẩn bị hồ sơ gồm những giấy tờ khác nhau, cụ thể:

* Hồ sơ đăng ký thuế của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh gồm:

– Tờ khai đăng ký thuế mẫu số 03-ĐK-TCT hoặc hồ sơ khai thuế của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

– Bảng kê cửa hàng, cửa hiệu phụ thuộc mẫu số 03-ĐK-TCT-BK01 (nếu có).

– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh (nếu có).

– Bản sao thẻ căn cước công dân hoặc bản sao giấy chứng minh nhân dân còn hiệu lực đối với cá nhân là người có quốc tịch Việt Nam; bản sao hộ chiếu còn hiệu lực đối với cá nhân là người có quốc tịch nước ngoài hoặc cá nhân là người có quốc tịch Việt Nam sinh sống tại nước ngoài.

* Hồ sơ đăng ký thuế của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh của các nước có chung đường biên giới đất liền với Việt Nam thực hiện hoạt động mua, bán, trao đổi hàng hóa tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu, gồm:

– Tờ khai đăng ký thuế mẫu số 03-ĐK-TCT.

– Bảng kê cửa hàng, cửa hiệu phụ thuộc mẫu số 03-ĐK-TCT-BK01 (nếu có).

– Giấy chứng minh thư biên giới, hiấy thông hành xuất nhập cảnh vùng biên giới, hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị xuất nhập cảnh khác được cấp theo quy định của pháp luật của nước có chung biên giới và được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định.

Hộ kinh doanh nộp hồ sơ tại Chi cục Thuế, Chi cục Thuế khu vực nơi đặt địa điểm kinh doanh.

Xem chi tiết: Cách tính thuế hộ kinh doanh từ ngày 01/8/2021

sau khi dang ky ho kinh doanh can phai lam gi?Hộ kinh doanh cần làm gì sau khi được cấp giấy chứng nhận (Ảnh minh hoạ)
 

Treo biển hiệu

Hiện nay, theo quy định về doanh nghiệp nói chung và các quy định riêng về hộ kinh doanh không bắt buộc hộ kinh doanh phải treo biển tại trụ sở chính.

Tuy nhiên, nếu có nhu cầu muốn quảng cáo, hộ kinh doanh có thể treo biển hiệu theo quy định của pháp luật quảng cáo.

Theo Điều 34 Luật Quảng cáo 2012, biển hiệu của hộ kinh doanh phải có các nội dung sau:

– Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có);

– Tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

– Địa chỉ, điện thoại.

* Chữ viết trong biển

Chữ viết trong biển quảng cáo phải được thể hiện bằng Tiếng Việt.

* Kích thước biển hiệu

– Đối với biển hiệu ngang thì chiều cao tối đa là 02 mét (m), chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà;

– Đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 01 mét (m), chiều cao tối đa là 04 mét (m) nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.

Lưu ý: Biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hoả; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng.

* Cách đặt biển hiệu

Theo quy định tại Thông tư 04/2018/TT-BXD, vị trí, địa điểm, khu vực xây dựng, lắp đặt và công tác quản lý các phương tiện quảng cáo ngoài trời phải tuân theo các yêu cầu sau:

– Đảm bảo mỹ quan đô thị;

– Đảm bảo tầm nhìn giao thông, không ảnh hưởng đến hoạt động giao thông và không che khuất tầm nhìn biển báo giao thông;

– Đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy, yêu cầu thoát nạn, yêu cầu cứu hộ cứu nạn, kết cấu xây dựng, trật tự an toàn xã hội;

– Đảm bảo các hoạt động sản xuất, sinh hoạt bình thường của người dân và an toàn sinh mạng.

Trên đây là những công việc mà hộ kinh doanh cần làm sau khi được cấp giấy chứng nhận. Nếu có thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.

>> Hướng dẫn thủ tục thành lập kinh doanh hộ cá thể mới nhất

>> Hướng dẫn thành lập hộ kinh doanh qua mạng 2021