- 1. Sổ đỏ, Sổ hồng là gì?
- 2. Sổ đỏ hay Sổ hồng có giá trị hơn?
- 3. Không bắt buộc đổi Sổ đỏ sang Sổ hồng
- 4. Điều kiện để được cấp Sổ đỏ
- 5. Hồ sơ, thủ tục cấp Sổ đỏ lần đầu
- 6. Thời gian cấp Sổ đỏ mất bao lâu?
- 7. Chi phí làm Sổ đỏ giữa các thửa đất là khác nhau
- 8. Sổ đỏ đứng tên một người vẫn có thể là tài sản chung
1. Sổ đỏ, Sổ hồng là gì?
Sổ đỏ là từ mà người dân thường dùng để gọi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dựa theo màu sắc của Giấy chứng nhận; pháp luật đất đai từ trước tới nay không quy định về Sổ đỏ, Sổ hồng.
Tùy theo từng giai đoạn, ở Việt Nam có các loại Giấy chứng nhận như:
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
+ Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở;
+ Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.
Từ ngày 10/12/2009, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành mẫu Giấy chứng nhận mới áp dụng chung trên phạm vi cả nước với tên gọi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Giấy chứng nhận có bìa màu hồng).
Hiện nay, Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành kế thừa tên gọi Giấy chứng nhận mới. Khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013 nêu rõ:
“Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.”
Tóm lại, Sổ đỏ là Giấy chứng nhận có bìa màu đỏ; Sổ hồng gồm 02 loại: Sổ hồng theo mẫu cũ (được cấp trước ngày 10/12/2009) và Sổ hồng mới có màu hồng cánh sen – Hiện nay, người dân đang được cấp loại sổ này.
Sổ đỏ, Sổ hồng là cách gọi phổ biến của người dân dùng để chỉ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất dựa theo màu sắc của Giấy chứng nhận.
2. Sổ đỏ hay Sổ hồng có giá trị hơn?
Như đã phân tích ở trên, Sổ đỏ, Sổ hồng đều là Giấy chứng nhận về nhà đất nên giá trị của nó cần được xem xét dưới 02 góc độ khác nhau:
– Giá trị pháp lý: Sổ đỏ, Sổ hồng có giá trị pháp lý như nhau vì đều là chứng thư pháp lý được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người sử dụng đất, người sở hữu nhà ở.
– Giá trị thực tế: Không phân biệt được vì phụ thuộc vào giá trị tài sản được chứng nhận.
Ví dụ: Ông A được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho thửa đất nông nghiệp 1000m2 (Giấy chứng nhận có bìa màu đỏ), ông B mua chung cư và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Giấy chứng nhận có bìa màu hồng).
Trong trường hợp này nếu có so sánh thì có thể 1000m2 đất nông nghiệp khi chuyển nhượng thì số tiền nhận được không bằng số tiền bán căn hộ chung cư.
3. Không bắt buộc đổi Sổ đỏ sang Sổ hồng
Khoản 2 Điều 97 Luật Đất đai 2013 quy định:
“Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng trước ngày 10 tháng 12 năm 2009 vẫn có giá trị pháp lý và không phải đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; trường hợp người đã được cấp Giấy chứng nhận trước ngày 10 tháng 12 năm 2009 có nhu cầu cấp đổi thì được đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này.”
Như vậy, Luật Đất đai không bắt buộc đổi Giấy chứng nhận có bìa màu đỏ và Sổ hồng cũ sang Sổ hồng mới (mẫu Giấy chứng nhận mới đang được cấp có màu hồng cánh sen – hay còn gọi là Sổ hồng mới).
4. Điều kiện để được cấp Sổ đỏ
Điều kiện cấp Giấy chứng nhận giữa các thửa đất có thể không giống nhau vì mỗi thửa đất có nguồn gốc, tình trạng sử dụng đất là khác nhau.
Căn cứ Điều 100, 101 Luật Đất đai 2013 và Điều 20, 21, 22, 23 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, điều kiện được cấp Giấy chứng nhận được chia thành 02 trường hợp.
Trường hợp 1: Có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.
Trường hợp 2: Không có giấy tờ về quyền sử dụng đất (đa số thửa đất mà hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng hiện chưa được cấp Giấy chứng nhận lần đầu đều thuộc trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất).
Mỗi trường hợp để được cấp Giấy chứng nhận cần đáp ứng những điều kiện khác nhau.
Xem chi tiết: Điều kiện cấp Sổ đỏ cho đất có giấy tờ và đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất
5. Hồ sơ, thủ tục cấp Sổ đỏ lần đầu
* Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận lần đầu
Căn cứ khoản 1 Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, hộ gia đình, cá nhân phải chuẩn bị 01 bộ hồ sơ với các loại giấy tờ sau:
– Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận theo Mẫu số 04a/ĐK.
– Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có).
Ngoài 02 loại giấy tờ trên thì tùy thuộc vào nhu cầu đăng ký quyền sử dụng đất hoặc quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc cả quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà cần chuẩn bị giấy tờ chứng minh theo từng trường hợp, cụ thể:
– Trường hợp đăng ký quyền sử dụng đất thì phải nộp một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.
– Trường hợp đăng ký về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thì phải có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản đó (thông thường tài sản cần đăng ký là nhà ở).
Trường hợp đăng ký về quyền sở hữu nhà ở hoặc công trình xây dựng thì phải có sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng (trừ trường hợp trong giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng đã có sơ đồ phù hợp với hiện trạng nhà ở, công trình đã xây dựng).
Lưu ý: Theo khoản 9 Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT, người nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận được lựa chọn nộp bản sao hoặc bản chính giấy tờ, cụ thể:
– Nộp bản sao giấy tờ đã có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực.
– Nộp bản sao giấy tờ và xuất trình bản chính để người tiếp nhận hồ sơ kiểm tra đối chiếu và xác nhận vào bản sao.
– Nộp bản chính giấy tờ.
* Thủ tục cấp Giấy chứng nhận lần đầu
Bước 1. Nộp hồ sơ
Cách 1: Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất nếu có nhu cầu
Cách 2: Không nộp tại UBND xã, phường, thị trấn
– Nếu địa phương chưa thành lập bộ phận một cửa thì hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện hoặc nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện đối với nơi chưa thành lập Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
– Đối với địa phương đã tổ chức bộ phận một cửa để tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính thì nộp tại bộ phận một cửa cấp huyện.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
Bước 3: Giải quyết yêu cầu
Trong bước này người dân chỉ cần lưu ý vấn đề sau:
– Khi nhận được thông báo của chi cục thuế thì hộ gia đình, cá nhân có nghĩa vụ đóng các khoản tiền theo thông báo như: Lệ phí cấp Giấy chứng nhận, tiền sử dụng đất (nếu có), lệ phí trước bạ, phí thẩm định hồ sơ (nếu có).
– Khi nộp tiền xong thì giữ hóa đơn, chứng từ để xác nhận việc đã thực hiện nghĩa vụ tài chính và xuất trình khi nhận Giấy chứng nhận.
Lưu ý: Chỉ được nhận Giấy chứng nhận khi đã nộp xong các khoản tiền, trừ trường hợp ghi nợ tiền sử dụng đất.
Bước 4. Trả kết quả
6. Thời gian cấp Sổ đỏ mất bao lâu?
Khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP, thời gian giải quyết được quy định như sau:
– Không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không quá 40 ngày với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
– Thời gian trên không tính các khoảng thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã; thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật; thời gian trưng cầu giám định.
7. Chi phí làm Sổ đỏ giữa các thửa đất là khác nhau
Tùy thuộc vào thửa đất có giấy tờ hay không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, diện tích, nguồn gốc, loại đất,… mà số tiền phải nộp khi được cấp Giấy chứng nhận lần đầu giữa các thửa đất là khác nhau.
Trường hợp 1: Có một trong những giấy tờ về quyền sử dụng đất theo khoản 1 Điều 100 Luật Đất đai 2013
Nếu hộ gia đình, cá nhân có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều 100 Luật Đất đai 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và sử dụng ổn định thì không phải nộp tiền sử dụng đất. Khi đó, người dân chỉ phải nộp lệ phí trước bạ, lệ phí cấp Giấy chứng nhận, phí thẩm định hồ sơ (chỉ một vài tỉnh thu).
Trường hợp 2: Không có giấy tờ về quyền sử dụng đất
Xem chi tiết: 4 khoản tiền phải nộp khi làm Sổ đỏ cho đất không có giấy tờ
8. Sổ đỏ đứng tên một người vẫn có thể là tài sản chung
Khoản 4 Điều 98 Luật Đất đai 2013 quy định:
“Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người.”
Như vậy, dù quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng nhưng nếu vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người thì được đứng tên một người. Hay nói cách khác, Giấy chứng nhận đứng tên một người vẫn có thể là tài sản chung.
Xem thêm: Nhà đất của vợ chồng: 7 điều phải biết để không bị thiệt
9. Sổ đỏ, Sổ hồng không phải là tài sản
Để giải đáp cho khẳng định Sổ đỏ, Sổ hồng không phải là tài sản cần xem xét các căn cứ sau:
* Các dạng và thuộc tính tài sản
Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
“1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”.
Theo đó, tài sản gồm 04 dạng là: Vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
Tại Điều 115 Bộ luật này cũng giải thích quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.
Dù pháp luật không có điều khoản nào quy định hay giải thích cụ thể về thuộc tính của tài sản nhưng từ thực tiễn giải quyết, để trở thành tài sản phải có đủ các thuộc tính sau:
– Con người có thể chiếm hữu được.
– Đáp ứng nhu cầu tinh thần hoặc vật chất cho chủ thể.
– Phải có thể trị giá được thành tiền và là đối tượng trong trao đổi tài sản.
– Khi chúng không còn tồn tại thì quyền sở hữu bị chấm dứt (đối với đất là quyền sử dụng).
* Giấy chứng nhận là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền
Khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định:
“Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất”.
Tóm lại, Giấy chứng nhận không phải là tài sản vì khi Giấy chứng nhận không tồn tại (bị cháy, hủy hoại,…) thì quyền sử dụng của người sử dụng đất không bị chấm dứt. Hay nói cách khác, Giấy chứng nhận là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.
Kết luận: Sổ đỏ, Sổ hồng thực chất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp. Trong phạm vi bài viết, tác giả nêu lên một số điều mà người dân cần nắm rõ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Nếu bạn đọc có vướng mắc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.
>> Xem thêm các chính sách mới về đất đai tại đây