“Đến hẹn lại lên”, càng gần sát Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, thị trường đổi tiền lẻ càng trở nên sôi động. Nhất là trong bối cảnh các ngân hàng đều “siết” việc sản xuất thêm tiền lẻ. Tuy nhiên, việc đổi tiền lẻ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đối với cả người mua và người bán.
Chính phủ yêu cầu quản lý chặt việc đổi tiền lẻ kiếm lời
Tại Chỉ thị 44/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương:
c) Tổ chức tốt công tác điều hòa và cung ứng tiền mặt cho nền kinh tế, bảo đảm nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh; bảo đảm an ninh, an toàn kho quỹ; phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý các hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định của pháp luật.
Sở dĩ có chỉ đạo này là bởi từ năm 2013, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có chủ trương không đưa tiền mới mệnh giá thấp vào lưu thông dịp Tết và tiếp tục siết chặt việc đổi tiền lẻ trong khi nhu cầu người dân về tiền lẻ vẫn rất lớn.
Vì thế, tại cổng các cơ sở thờ tự, trên các mạng xã hội… việc đổi tiền lẻ có thu phí diễn ra công khai, tràn lan, không hề e ngại sự xử lý của cơ quan chức năng.
Tết 2021, đổi tiền lẻ kiếm lời có bị phạt? (Ảnh minh họa)
Đổi tiền lẻ kiếm lời, bị phạt đến 80 triệu đồng
Điểm a khoản 5 Điều 30 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định mức phạt đối với hành vi đổi tiền không đúng quy định như sau:
Điều 30. Vi phạm quy định về quản lý tiền tệ và kho quỹ
…
5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật.
…
Điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định này cũng quy định:
b) Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân;
Như vậy, nếu cá nhân thực hiện đổi tiền không đúng quy định bị phạt từ 20 – 40 triệu đồng. Nếu hành vi này thực hiện bởi tổ chức thì mức phạt là từ 40 – 80 triệu đồng.
Người đổi tiền lẻ dễ bị lừa
Những người dễ bị lừa nhất khi đi đổi tiền lẻ đó là người thực hiện giao dịch đổi tiền qua mạng.
Bởi việc giao dịch dễ dàng, người đổi không có thông tin bên cung cấp dịch vụ đổi tiền, nên dễ bị lừa và khi phát hiện bị lừa cũng không biết phải kêu ai.
Những chiêu trò lừa tiền phổ biến gồm: đổi tiền lẻ giả, trong cọc tiền bị thiếu tiền…
Như vậy, việc đổi tiền lẻ kiếm lời vừa phạm pháp, vừa tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì thế, người dân cần thận trọng khi thực hiện các giao dịch này. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.