Càng gần tết, nhu cầu đổi tiền lẻ để lì xì, đi lễ chùa… càng nhiều. Đổi tiền lẻ ở đâu là một trong những vấn đề khiến nhiều người “đau đầu”.
Đổi không đúng nơi quy định bị phạt
Cận tết, dịch vụ đổi tiền lẻ diễn ra rầm rộ tại thị trường chợ đen và ngay cả trên internet. Đổi tiền lẻ tại đây, khách hàng sẽ phải chịu mức chênh lệch khá cao, thường từ 10%, 20%, đến 30%… tùy từng mệnh giá.
Tuy nhiên, không chỉ phải chịu mức phí cao, theo quy định của pháp luật, người dân còn có nguy cơ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Nghị định 96/2014/NĐ-CP chỉ rõ, việc đổi tiền lẻ không đúng quy định sẽ bị phạt từ 20 triệu đồng – 40 triệu đồng.
Tại Chỉ thị số 34/CT-TTg về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vui tươi, an toàn và tiết kiệm, Thủ tướng nhấn mạnh kịp thời xử lý vi phạm trong dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định.
Nhu cầu đổi tiền lẻ dịp Tết đang tăng cao (Ảnh minh họa)
Vậy, đổi tiền lẻ ở đâu là hợp pháp?
Ngân hàng có lẽ là địa chỉ đầu tiên cho phép người dân được đổi tiền lẻ. Từ ngày 16/01/2019, Ngân hàng Nhà nước đã bắt đầu cung ứng tiền mới cho các ngân hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nhằm phục vụ nhu cầu lì xì của khách hàng trong dịp Tết.
Thông thường, tại các ngân hàng, mỗi nhân viên được phân bổ một lượng tiền lẻ nhất định để đổi cho khách hàng. Đổi tiền lẻ tại ngân hàng, khách hàng sẽ không phải trả phí chênh lệch, tiền luôn mới và liền kề số seri.
Tuy nhiên, lượng tiền lẻ tại các ngân hàng chưa bao giờ là đủ để phục vụ nhu cầu đổi tiền của khách hàng, thậm chí người dân phải có mối quan hệ thân quen mới có thể đổi được.
Do đó, người dân có thể tìm đến một vài địa chỉ khác để có thể đổi tiền lẻ một cách hợp pháp, như: cây xăng, cửa hàng tạp hóa, siêu thị…
Xem thêm:
Đổi tiền lẻ dịp Tết và những quy định cần biết
Lan Vũ