Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động Update 01/2025

Tranh chấp là điều khó tránh khỏi trong mọi mối quan hệ, đặc biệt là quan hệ lao động. Do đó, cần phải nắm rõ ai là người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp của mình.

Tranh chấp lao động là gì?

Theo quy định tại Điều 3 Bộ luật Lao động 2012, tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh giữa các bên trong quan hệ lao động.

Không đơn giản như các mối quan hệ khác, tranh chấp trong quan hệ lao động bao gồm tranh chấp cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động và tranh chấp tập thể giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động.

Tranh chấp cá nhân: Bất cứ quyền lợi và nghĩa vụ nào trong suốt quá trình làm việc đều có thể xảy ra tranh chấp như điều kiện, địa điểm làm việc, tiền lương, bảo hộ lao động, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ…

Tranh chấp tập thể: Bao gồm tranh chấp tập thể về quyền và tranh chấp tập thể về lợi ích.Trong đó:

Tranh chấp tập thể về quyền là tranh chấp phát sinh từ việc giải thích và thực hiện khác nhau về quy định pháp luật lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và thoả thuận hợp pháp khác.

Tranh chấp tập thể về lợi ích là tranh chấp phát sinh từ việc tập thể lao động yêu cầu xác lập các điều kiện lao động mới so với quy định của pháp luật lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động hoặc các quy chế, thoả thuận hợp pháp khác trong quá trình thương lượng.

Ai có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động?

Ai có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động? (Ảnh minh họa)

Nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động

Điều 194 Bộ luật Lao động 2012 nêu rõ 06 nguyên tắc mà bất cứ cá nhân, cơ quan, tổ chức nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động đều có nghĩa vụ phải tuân thủ nghiêm chỉnh. Cụ thể:

– Tôn trọng, bảo đảm để các bên tự thương lượng, quyết định;

– Bảo đảm tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, lợi ích chung của xã hội và không trái luật khi thực hiện hoà giải, trọng tài;

– Công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời, nhanh chóng và đúng luật;

– Bảo đảm sự tham gia của đại diện các bên trong quá trình giải quyết;

– Việc giải quyết tranh chấp trước hết phải được hai bên trực tiếp thương lượng nhằm giải quyết hài hòa lợi ích, ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm trật tự và an toàn xã hội;

– Chỉ tiến hành giải quyết tranh chấp khi một trong hai bên có đơn yêu cầu do bên còn lại từ chối thương lượng, thương lượng nhưng không thành hoặc thương lượng thành nhưng một trong hai bên không thực hiện.

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động

Tiêu chí

Tranh chấp cá nhân

Tranh chấp tập thể

Tranh chấp tập thể về quyền

Tranh chấp tập thể về lợi ích

Người có thẩm quyền giải quyết

– Hòa giải viên lao động

– Tòa án nhân dân

– Hòa giải viên lao động

– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện

-Tòa án nhân dân

– Hòa giải viên lao động

– Hội đồng trọng tài lao động

Lưu ý

Mọi tranh chấp lao động đều phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác giải quyết, trừ 05 loại tranh chấp:

– Về xử lý kỷ luật sa thải hoặc bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

– Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

– Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

– Về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế;

– Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Xem thêm: 5 tranh chấp lao động không nhất thiết phải qua hòa giải

Như vậy, tùy thuộc vào loại tranh chấp lao động là cá nhân, tập thể về quyền hay tập thể về lợi ích mà người có thẩm quyền giải quyết sẽ khác nhau.

>> Có tranh chấp với “sếp”, người lao động nên làm gì?

Thùy Linh