Thời gian đăng ký nhãn hiệu 2021 mất bao lâu? Cần phải làm những gì? Update 01/2025

Sau khi trải qua quá trình thẩm định đơn thì nhãn hiệu sẽ được cấp Văn bằng bảo hộ. Tuy nhiên, do đặc thù là thủ tục hành chính về sở hữu trí tuệ nên thời gian đăng ký nhãn hiệu được thực hiện khá lâu.

Thời gian đăng ký nhãn hiệu

Theo Điều 119 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung 2009, thời gian đăng ký nhãn hiệu được quy định cụ thể như sau:

Bước 1: Thẩm định về hình thức

– Mục đích: Kiểm tra hình thức và cách thức trình bày của các tài liệu có trong đơn; kiểm tra tính pháp lý về chủ thể nộp đơn, về hồ sơ hưởng quyền ưu tiên;

– Thời gian: 01 tháng kể từ ngày nộp đơn.

Bước 2: Công bố đơn hợp lệ

– Mục đích: Để chủ đơn theo dõi quá trình thẩm định đơn;

– Thời gian: 02 tháng kể từ ngày đơn được chấp nhận hợp lệ sau khi đã thẩm định hình thức.

Bước 3: Thẩm định về nội dung

– Mục đích: Kiểm tra chi tiết nhãn hiệu có bị trùng hay tương tự với nhãn hiệu khác hay không, đánh giá khả năng được cấp Văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu;

– Thời gian: 09 tháng kể từ ngày công bố đơn.

Như vậy, thời gian đăng ký nhãn hiệu từ lúc nộp hồ sơ đến khi được cấp Văng bằng bảo hộ là 12 tháng.

Lưu ý: Trên thực tế, thời gian đăng ký nhãn hiệu có thể kéo dài lên tới 18 – 24 tháng bởi các lý do sau:

– Số lượng đơn đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ ngày càng nhiều, việc thẩm định đơn sẽ ngày càng kéo dài hơn.

– Đơn đăng ký thường bị yêu cầu sửa đổi, bổ sung do hồ sơ, tài liệu có sai sót về hình thức.

Thoi gian dang ky nhan hieuThời gian đăng ký nhãn hiệu (Ảnh minh hoạ)
 

Cần chuẩn bị gì để đăng ký nhãn hiệu?

1. Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu

* Thành phần hồ sơ:

Tờ khai đăng ký (02 bản).

– Mẫu nhãn hiệu (05 mẫu kích thước 80 x 80 mm) và danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.

– Đối với đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận phải có:

+ Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể/nhãn hiệu chứng nhận;

+ Bản thuyết minh về tính chất, chất lượng đặc trưng (hoặc đặc thù) của sản phẩm mang nhãn hiệu (nếu nhãn hiệu được đăng ký là nhãn hiệu tập thể dùng cho sản phẩm có tính chất đặc thù hoặc là nhãn hiệu chứng nhận chất lượng của sản phẩm hoặc là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý);

+ Bản đồ khu vực địa lý (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý của sản phẩm, hoặc nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận có chứa địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương);

+ Văn bản của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho phép đăng ký nhãn hiệu (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận có chứa địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương).

– Giấy ủy quyền (nếu nộp đơn thông qua tổ chức đại diện sở hữu trí tuệ).

– Tài liệu chứng minh quyền đăng ký nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đăng ký từ người khác (ví dụ như hợp đồng).

– Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.

– Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).

* Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

2. Tiến hành tra cứu nhãn hiệu

Sau khi thiết kế xong nhãn hiệu, cá nhân, tổ chức phải tiến hành ngay việc tra cứu nhãn hiệu.

Tra cứu nhãn hiệu không phải là thủ tục bắt buộc với người nộp đơn mà là một buớc trong giai đoạn thẩm định về nội dung của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, việc tra cứu này sẽ giúp chủ đơn chắc chắn hơn khi xin cấp Văn bằng bảo hộ.

Cách thức tra cứu nhãn hiệu như sau:

– Cách 1: Tra cứu trên cơ sở dữ liệu trực tuyến của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam về nhãn hiệu

– Cách 2: Tra cứu nhãn hiệu nâng cao

Tra cứu nhãn hiệu nâng cao được hiểu là việc tra cứu nhãn hiệu được thực hiện với sự “trợ giúp” của chuyên viên tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam trong trường hợp chủ đơn không thể tự tra cứu.

Như vậy, thời gian đăng ký nhãn hiệu trên thực tế kéo dài từ 18 – 24 tháng. Với thời gian lâu như vậy, người nộp đơn nên yêu cầu hưởng quyền ưu tiên và quan trọng là chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, hợp lệ để tránh phải sửa đổi, bổ sung.

Nếu có nhu cầu thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu nhanh, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ.

>> Kinh nghiệm đăng ký nhãn hiệu: 4 lỗi cơ bản thường gặp