Nội dung chính của hợp đồng ủy quyền gồm: Phạm vi ủy quyền, thời hạn ủy quyền, thù lao ủy quyền. Trong đó, thời hạn của hợp đồng ủy quyền là vấn đề có nhiều rủi ro pháp lý đi kèm.
3 trường hợp để xác định thời hạn ủy quyền
Thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận, hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền (Điều 563 Bộ luật Dân sự 2015).
Theo đó, có 3 trường hợp để xác định thời hạn của hợp đồng ủy quyền.
– Thứ nhất, theo thỏa thuận cụ thể giữa bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền;
– Thứ hai, theo quy định cụ thể của pháp luật;
– Thứ ba, thời hạn ủy quyền xác định rõ là 01 năm nếu không thuộc các trường hợp nêu trên.
Như vậy, bên ủy quyền và bên được ủy quyền có thể tự do lựa chọn một khoảng thời gian phù hợp để làm thời hạn ủy quyền.
Thời hạn của hợp đồng ủy quyền là bao lâu? (Ảnh minh họa)
Lưu ý khi thỏa thuận thời hạn ủy quyền
Không ít vụ án liên quan đến thời hạn ủy quyền đặc biệt là trong các vụ tranh chấp giữa ngân hàng và khách hàng. Theo thực tiễn xét xử, tòa án duy trì quan điểm phải xác định rõ mốc thời gian kết thúc hiệu lực của văn bản ủy quyền.
Do vậy, khi thỏa thuận thời hạn của hợp đồng ủy quyền, các bên cần lưu ý thỏa thuận một ngày, tháng, năm cụ thể hoặc một số lượng ngày, tháng hoặc năm tính từ mốc ngày bắt đầu hiệu lực của hợp đồng ủy quyền.
Bên cạnh đó, ngoài việc thỏa thuận thời hạn kết thúc ủy quyền, hợp đồng ủy quyền sẽ đương nhiên bị chấm dứt trong các trường hợp:
– Công việc được uỷ quyền đã hoàn thành;
– Người được đại diện hoặc người đại diện đơn phương chấm dứt thực hiện việc ủy quyền;
– Người được đại diện, người đại diện là cá nhân chết; người được đại diện, người đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại;
– Người đại diện không còn đủ điều kiện phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện;
– Căn cứ khác làm cho việc đại diện không thể thực hiện được.
>> Hợp đồng ủy quyền có bắt buộc phải công chứng không?
Hậu Nguyễn