Thời hạn sử dụng đất là khoảng thời gian mà người sử dụng đất được thực hiện các quyền của mình. Tùy thuộc vào từng loại đất và trường hợp cụ thể mà thời hạn sử dụng đất là ổn định lâu dài, 50 năm, 70 năm, 99 năm.
1. Đất sử dụng ổn định lâu dài
Điều 125 Luật Đất đai 2013 quy định người sử dụng đất được sử dụng đất ổn định lâu dài trong các trường hợp sau:
– Đất ở do hộ gia đình, cá nhân sử dụng.
– Đất nông nghiệp do cộng đồng dân cư sử dụng quy định tại khoản 3 Điều 131 Luật Đất đai 2013:
+ Cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất, công nhận quyền sử dụng đất để bảo tồn bản sắc dân tộc gắn với phong tục, tập quán của các dân tộc.
+ Cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất, công nhận quyền sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ đất được giao, được sử dụng đất kết hợp với mục đích sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, không được chuyển sang sử dụng vào mục đích khác.
– Đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên.
– Đất thương mại, dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng ổn định mà không phải là đất được Nhà nước giao có thời hạn, cho thuê.
Xem chi tiết tại: 11 trường hợp đất sử dụng ổn định lâu dài
2. Đất sử dụng có thời hạn
Căn cứ Điều 126 Luật Đất đai 2013, đất sử dụng có thời hạn được quy định cụ thể như sau:
TT |
Trường hợp |
Thời hạn sử dụng |
Xử lý khi hết hạn |
1 |
Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được giao đất, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp gồm: – Đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối; – Đất trồng cây lâu năm; – Đất rừng sản xuất; – Giao nhiều loại đất bao gồm đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối; – Đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước thuộc nhóm đất chưa sử dụng. |
Thời hạn giao đất, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp là 50 năm |
Nếu có nhu cầu thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn là 50 năm |
2 |
Hộ gia đình, cá nhân thuê đất nông nghiệp |
Không quá 50 năm |
Khi hết thời hạn thuê đất, nếu có nhu cầu thì được Nhà nước xem xét tiếp tục cho thuê |
Xem thêm các trường hợp đất sử dụng có thời hạn tại: Thời hạn sử dụng đất là bao lâu?
3. Thời hạn sử dụng đất khi nhận chuyển nhượng, tặng cho
Thời hạn sử dụng đất khi nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho phụ thuộc vào thời hạn của chính loại đất đó. Nội dung này được quy định rõ tại Điều 128 Luật Đất đai 2013, cụ thể:
“1. Thời hạn sử dụng đất khi nhận chuyển quyền sử dụng đất đối với loại đất có quy định thời hạn là thời gian sử dụng đất còn lại của thời hạn sử dụng đất trước khi nhận chuyển quyền sử dụng đất.
2. Người nhận chuyển quyền sử dụng đất đối với loại đất được sử dụng ổn định lâu dài thì được sử dụng đất ổn định lâu dài.”.
Ví dụ: Hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho đất ở thì vẫn được sử dụng ổn định lâu dài.
Quy định về thời hạn sử dụng đất (Ảnh minh họa)
4. Thời hạn sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng
Điều 127 Luật Đất đai 2013 quy định thời hạn sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất như sau:
* Hộ gia đình, cá nhân khi chuyển mục đích sử dụng đất
– Chuyển đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang sử dụng vào mục đích khác thì thời hạn được xác định theo thời hạn của loại đất sau khi được chuyển mục đích sử dụng. Thời hạn sử dụng đất được tính từ thời điểm có quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;
– Trường hợp chuyển đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối sang trồng rừng phòng hộ, trồng rừng đặc dụng thì hộ gia đình, cá nhân được sử dụng đất ổn định lâu dài;
– Chuyển mục đích sử dụng giữa các loại đất bao gồm đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối thì hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất được tiếp tục sử dụng đất đó theo thời hạn đã được giao, cho thuê.
Khi hết thời hạn, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất được Nhà nước xem xét gia hạn sử dụng đất nhưng không quá 50 năm nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng;
– Trường hợp chuyển đất nông nghiệp sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp thì thời hạn sử dụng đất được xác định theo thời hạn của loại đất sau khi được chuyển mục đích sử dụng. Thời hạn sử dụng đất được tính từ thời điểm có quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;
– Chuyển mục đích sử dụng từ đất phi nông nghiệp sử dụng ổn định lâu dài sang đất phi nông nghiệp sử dụng có thời hạn hoặc từ đất phi nông nghiệp sử dụng có thời hạn sang đất phi nông nghiệp sử dụng ổn định lâu dài thì hộ gia đình, cá nhân được sử dụng đất ổn định lâu dài.
* Tổ chức, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư không thuộc khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao khi chuyển mục đích sử dụng đất
Thời hạn được xác định theo dự án đầu tư, cụ thể:
– Thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ, làm cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; tổ chức để thực hiện các dự án đầu tư; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam được xem xét, quyết định trên cơ sở dự án đầu tư hoặc đơn xin giao đất, thuê đất nhưng không quá 50 năm.
– Đối với dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn mà cần thời hạn dài hơn thì thời hạn giao đất, cho thuê đất không quá 70 năm.
– Đối với dự án kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp với cho thuê hoặc để cho thuê mua thì thời hạn giao đất cho chủ đầu tư được xác định theo thời hạn của dự án; người mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất được sử dụng đất ổn định lâu dài.
* Tổ chức kinh tế chuyển mục đích sử dụng từ đất phi nông nghiệp sử dụng ổn định lâu dài sang đất phi nông nghiệp sử dụng có thời hạn hoặc từ đất phi nông nghiệp sử dụng có thời hạn sang đất phi nông nghiệp sử dụng ổn định lâu dài thì tổ chức kinh tế được sử dụng đất ổn định lâu dài.
5. Đất hết thời hạn có phải gia hạn không?
LuatVietnam trả lời như sau:
Khoản 2 Điều 74 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định:
“2. Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp đang sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao, công nhận, nhận chuyển quyền sử dụng đất, khi hết thời hạn sử dụng đất thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn quy định tại Khoản 1 Điều 126 và Khoản 3 Điều 210 của Luật Đất đai mà không phải làm thủ tục điều chỉnh thời hạn sử dụng đất.”.
Như vậy, gia đình bà không phải làm thủ tục gia hạn mà được tiếp tục sử dụng với thời hạn là 50 năm.
6. Đất hết thời hạn sử dụng có bị thu hồi không?
LuatVietnam trả lời như sau:
Căn cứ Điều 61, 62, 64, 65 và khoản 1 Điều 126 Luật Đất đai 2013, đối với đất trồng cây hàng năm có thời hạn sử dụng là 50 năm và khi hết hạn mà có nhu cầu thì được tiếp tục sử dụng đất với thời hạn là 50 năm.
Như vậy, hết thời hạn ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì gia đình anh không bị thu hồi đất, trừ trường hợp khi đó Nhà nước ra quyết định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
7. Hồ sơ, thủ tục gia hạn sử dụng đất
* Hồ sơ gia hạn
– Số lượng hồ sơ: 01 bộ
– Thành phần hồ sơ
Khoản 9 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT quy định hồ sơ gia hạn như sau:
+ Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK.
+ Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.
+ Bản sao Quyết định đầu tư bổ sung hoặc Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư có thể hiện thời hạn hoặc điều chỉnh thời hạn thực hiện dự án phù hợp thời gian xin gia hạn sử dụng đất đối với trường hợp sử dụng đất của tổ chức, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư.
+ Chứng từ đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính (nếu có).
* Trình tự, thủ tục gia hạn
Bước 1: Nộp hồ sơ
– Đối với tổ chức, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: Nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa theo quy định của UBND cấp tỉnh hoặc nộp trực tiếp tại Văn phòng đăng ký đất đai/Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có đất.
– Đối với hộ gia đình, cá nhân:
Cách 1: Nộp trực tiếp tại xã, phường, thị trấn nơi có đất nếu có nhu cầu
Cách 2: Không nộp tại xã, phường, thị trấn nơi có đất
– Địa phương đã thành lập bộ phận một cửa thì nộp tại bộ phận một cửa cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương) nơi có đất.
– Địa phương chưa thành lập bộ phận một cửa thì nộp trực tiếp tại Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện hoặc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện đối với nơi chưa có Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai.
Bước 2: Tiếp nhận, giải quyết
Bước 3: Trả kết quả
Xem thêm: Người dân phải gia hạn sử dụng đất trước khi hết hạn 6 tháng?
Trên đây là quy định về thời hạn sử dụng đất và các vấn đề có liên quan như hồ sơ, thủ tục điều chỉnh, gia hạn sử dụng đất. Nếu bạn đọc có vướng mắc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.
>> Chuyển mục đích sử dụng đất: Hồ sơ, thủ tục và chi phí phải nộp