Thời hạn tạm giữ xe khi xảy ra tai nạn giao thông Update 11/2024

Khi xảy ra tai nạn giao thông, cảnh sát giao thông sẽ tạm giữ phương tiện có liên quan đến tai nạn để phục vụ điều tra. Vậy Thời hạn tạm giữ xe khi xảy ra tai nạn giao thông là bao lâu?
 

Quy trình giải quyết tai nạn giao thông

Theo Điều 4 Quyết định 18/2017/QĐ-BCA (C11), việc điều tra khi xảy ra tai nạn giao thông đường bộ được thực hiện qua các bước cơ bản sau:

– Tổ chức cấp cứu người bị nạn:

– Kiểm tra, tạm giữ giấy tờ của người và phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông.

Khi vụ tai nạn giao thông xảy ra, các phương tiện giao thông có liên quan đều phải được tạm giữ để phục vụ công tác khám nghiệm, điều tra giải quyết (trừ các phương tiện giao thông ưu tiên theo quy định.

Việc tạm giữ phương tiện giao thông phải được lập biên bản, ghi rõ tình trạng phương tiện bị giạm giữ.

– Tổ chức bảo vệ hiện trường:

+ Khoanh vùng bảo vệ hiện trường, có biện pháp bảo quản tài sản, tư trang của người bị nạn, hàng hóa trên phương tiện liên quan đến tai nạn;

+ Quan sát để phát hiện và ghi nhận sơ bộ các dấu vết, đồ vật để lại trên hiện trường, trên các phương tiện liên quan đến tai nạn giao thông; ghi nhận những thay đổi hiện trường trong quá trình tổ chức cấp cứu người bị nạn;

+ Tìm những người biết vụ tai nạn xảy ra; ghi rõ họ tên, số Chứng minh nhân dân, địa chỉ thưởng trú, số điện thoại của người đó hoặc đề nghị người biết vụ tai nạn giao thông viết bản tường trình phục vụ công tác điều tra

– Khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm phương tiện giao thông liên quan đến vụ tai nạn; cầu; đường; bến phà; thân thể người bị nạn… và phải lập thành biên bản;

– Báo cho gia đình hoặc cơ quan, đơn vị người bị nạn

– Dựng lại hiện trường

– Lấy lời khai…

– Xem xét kết quả điều tra và quyết định việc giải quyết vụ tai nạn gian thông

Thời hạn tạm giữ xe khi xảy ra tai nạn giao thông (Ảnh minh họa)

Thời hạn tạm giữ xe khi xảy ra tai nạn giao thông

Theo khoản 8 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là 07 ngày, kể từ ngày tạm giữ.

Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

Đối với vụ việc thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp cần có thêm thời gian để xác minh thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc báo cáo thủ trưởng trực tiếp bằng văn bản để xin gia hạn việc tạm giữ; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày.

Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được tính từ thời điểm tang vật, phương tiện bị tạm giữ thực tế.

Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không vượt quá thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trừ trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp.

Đối chiếu quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Quyết định 18/2017/QĐ-BCA (C11):

– Trường hợp vụ tai nạn giao thông đường bộ có dấu hiệu tội phạm thì đơn vị Cảnh sát giao thông tạm giữ phương tiện bàn giao phương tiện bị tạm giữ cùng với hồ sơ vụ án cho đơn vị điều tra tội phạm về trật tự xã hội có thẩm quyền;

– Trường hợp tai nạn giao thông không có dấu hiệu tội phạm thì phương tiện giao thông bị tạm giữ được xử lý như sau:

+ Đối với vụ tai nạn sau khi khám nghiệm phương tiện xong, xác định người điều khiển phương tiện không có lỗi thì phương tiện phải được trả ngay cho chủ sở hữu hoặc người điều khiển phương tiện;

+ Các trường hợp khác việc tạm giữ phương tiện phải thực hiện theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính

Chú ý: Khi tạm giữ và trả phương tiện phải có quyết định và biên bản theo quy định của pháp luật.

Như vậy, tùy thuộc vào tính chất của vụ tai nạn giao thông, thời hạn tạm giữ của phương tiện có thể là 07 ngày và tối đa kéo dài không quá 60 ngày tính cả thời gian gia hạn để điều tra.

LuatVietnam