“Thu phí” và “thu giá” khác nhau thế nào? Update 01/2025

Một trong những thông tin gây xôn xao dư luận những ngày gần đây là việc một số Bộ đề xuất dùng khái niệm thu giá thay cho thu phí. Sự khác nhau giữa thu phí và thu giá không chỉ dừng lại ở mặt câu chữ.

2 Bộ đề xuất chuyển “thu phí” sang “thu giá”

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải khiến nhiều người ngỡ ngàng khi quyết định thay tên các trạm thu phí đường bộ bằng “trạm thu giá”.

Theo giải thích của Bộ này, trước thời điểm năm 2017, dịch vụ sử dụng đường bộ được quản lý theo cơ chế phí tại Pháp lệnh Phí và lệ phí năm 2001Thông tư 159/2013/TT-BTC. Từ năm 2017, Pháp lệnh này hết hiệu lực và được thay thế bằng Luật Phí và Lệ phí. Theo Luật mới, phí sử dụng đường bộ được chuyển thành giá dịch vụ sử dụng đường bộ. Do đó, Bộ cho rằng, việc đổi tên trạm thu phí thành trạm thu giá là hợp lý.

Khi dư luận vẫn đang tranh cãi dữ dội về khái niệm “trạm thu giá” của Bộ Giao thông Vận tải, thì Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây cũng đưa ra đề xuất thay đổi cách gọi “học phí” thành “giá dịch vụ đào tạo”.

Trình bày tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, giá dịch vụ đào tạo được đề xuất trong Luật Giáo dục đại học sửa đổi được hiểu là bao gồm phí dịch vụ đào tạo, dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu dịch vụ khác. Tuy nhiên, đa số đại biểu Quốc hội không tán thành với đề xuất thay đổi thuật ngữ này.

“Thu phí” và “thu giá” khác nhau thế nào?

“Thu phí” và “thu giá” khác nhau thế nào? (Ảnh minh họa)

Khác nhau giữa “thu phí” và “thu giá”

Trong phạm vi bài viết này, LuatVietnam không bình luận về đề xuất chuyển “thu phí” sang “thu giá” của Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Giáo dục và Đào tạo có hợp lý hay không mà chỉ tập trung vào phân tích sự khác nhau giữa khái niệm này.

Hiện tại, phí được điều chỉnh theo Luật Phí và lệ phí năm 2015. Theo Điều 3 Luật này, phí được giải thích là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công.

Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền quy định các khoản phí và mức thu. Mức thu phí thường là một mức tiền cố định, nếu có điều chỉnh cũng do cơ quan Nhà nước thông qua.

Trong khi đó, giá được điều chỉnh theo Luật Giá năm 2012 và được tính toán bảo đảm bù đắp chi phí và có lợi nhuận cho nhà đầu tư. Theo khoản 5 Điều 4 Luật Giá, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh được quyền ấn định giá.

Nhà nước quản lý giá theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh. Nhà nước điều tiết giá để bình ổn giá; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước.

Như vậy, nếu như phí do cơ quan Nhà nước ấn định và “bất di bất dịch” thì giá do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tự ấn định và được linh hoạt điều chỉnh trong khung giá (giá tối thiểu và giá tối đa) đã được cơ quan Nhà nước phê duyệt.

Xem thêm:

Luật Phí và lệ phí: 7 điểm cần biết trong năm 2018

LuatVietnam